Lisbon – hào quang xưa cũ của Bồ Đào Nha & kinh nghiệm du lịch Lisbon-Sintra

Chia tay Lagos và vùng Algarve xinh đẹp, tụi mình tiếp tục hành trình dọc đất nước Bồ Đào Nha ở điểm dừng tiếp theo: Lisbon và Sintra. Trong bài viết này, mình sẽ ghi lại những cảm nhận của mình về Lisbon và Sintra, kỷ niệm về những nơi tụi mình đã đi qua, cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm du lịch và ăn uống ở Lisbon – Sintra nhé.

Sintra kì diệu như bước ra từ những câu chuyện cổ tích

Cảm nghĩ của mình về Lisbon và Sintra

Lisbon là một thành phố mà phải mất vài ngày mình mới bắt đầu thấy thích, mặc dù trước khi tới đây, mình đã đặt nhiều kỳ vọng ở Lisbon. Có lẽ là mạng xã hội, những hình ảnh lung linh và những bài review với rất nhiều lời khen có cánh dành cho Lisbon đã tô vẽ nhiều màu hồng cho thành phố này trong suy nghĩ của mình trước khi tới đây, khiến cho kỳ vọng của mình khác nhiều so với trải nghiệm thực tế, nên mình đã cần một khoảng thời gian ngắn để làm quen với thực tế ở Lisbon. Đối với mình, Lisbon là một thành phố rất đời và rất thật, không hào nhoáng và không cần phải tô vẽ thêm như những hình ảnh, bài viết trên mạng xã hội – chỉ cần miêu tả Lisbon đúng với sự thật thôi thì nơi đây vẫn xứng đáng là một điểm đến thú vị.

một Lisbon bình dị và không hào nhoáng, người dân ở trong khu tập thể và phơi quần áo ra ngoài ban công

Nói về điều mà mình nghĩ mạng xã hội chỉ lờ đi hoặc lướt nhanh qua, thì mình nghĩ rằng Lisbon là một hào quang đã cũ mà ít người thừa nhận hay đề cập tới. Cụ thể hơn, Lisbon là một thành phố có nhiều nét duyên dáng, lãng mạn nhưng vì sự chậm chạp và trì trệ của nền kinh tế Bồ Đào Nha mà Lisbon đã bị kẹt lại ở vài thập kỉ trước. Nhà cửa và đường xá ở Lisbon ngoài nét cổ kính ra thì khi quan sát kĩ sẽ thấy nơi đây được thời gian khoác lên mình thêm nét cũ kĩ và thiếu sự chăm sóc, bảo tồn và dọn dẹp sạch sẽ. Thêm nữa, đường phố Lisbon có rất nhiều đầu lọc thuốc lá vương vãi trên mặt đất và cũng nhiều nét vẽ graffiti không được đẹp cho lắm trên những ô cửa, bức tường. 

Ngành du lịch và việc thu hút nhân lực “làm việc từ xa”/“remote workers” tới Bồ Đào Nha nói chung và Lisbon nói riêng đã và đang làm sống lại nền kinh tế nơi đây sau nhiều năm trì trệ – nhưng đi kèm với đó là việc Lisbon đang dần mất đi sự duyên dáng, yên bình và cái mác “điểm du lịch giá mềm ở châu Âu”. Thay vào đó, mình thấy Lisbon đang khai thác du lịch quá đà, và đối xử với khách du lịch như “gà đẻ trứng vàng”/“cash cow”, kiểu như một cách kiếm tiền ngắn hạn thay vì suy nghĩ là làm sao để xây dựng một ngành du lịch bền vững. Nhu cầu du lịch cao đã đẩy giá cả lên cao gần ngang bằng các thành phố nổi tiếng hơn ở châu Âu trong khi cơ sở hạ tầng du lịch ở Lisbon chưa đáp ứng được nhu cầu để xứng đáng với giá thành cao như vậy. 

hai chiếc xe tram 28 chở đầy khách du lịch bị kẹt xe khi đang băng qua nhau

Khách du lịch đem tới nguồn tiền mới, tiêu xài cao hơn hẳn mức sống cỡ 1000 euros/tháng của người dân Bồ Đào Nha khiến mình có cảm giác bản thân mình thật “lệch lạc” và “có lỗi”, khi mà với vị trí một người khách du lịch mình đi ăn những bữa ăn đắt đỏ hơn số tiền người dân ở đây kiếm được trong một ngày (và khi mình thử đi chợ thì giá cả đồ ăn thức uống rẻ hơn hẳn so với giá ở các địa điểm đông khách du lịch nên càng thấy rõ hơn sự chênh lệch này). Một anh tài xế từng kể với tụi mình là vì khách du lịch mà giá cả cho dân địa phương và giá thuê nhà đã tăng lên nhiều trong mấy năm vừa qua, khiến cho cuộc sống khá khó khăn nếu không làm trong ngành du lịch. 

người dân phố cổ ở Lisbon ngồi chill trước thềm nhà

Đổi lại, mình cũng có vài trải nghiệm không tốt đẹp ở Lisbon, như là bị tài xế taxi “ăn chặn” tiền bằng cách tắt bảng tính tiền ngay khi xe dừng lại và đòi số tiền gấp đôi bảng hiển thị trước đó (bình thường mình hay dùng app để đặt xe hoặc đi phương tiện công cộng, nhưng lần duy nhất mình dùng taxi ở Bồ Đào Nha là tại Lisbon thì là một trải nghiệm khá xấu xí). Mình cũng trải qua một quán cà phê nhỏ bán nước và bánh ở Sintra đã bán với giá gấp 3 lần giá ở trung tâm Lisbon. Mình thấy cách làm ăn và phát triển du lịch như thế này khó mà bền vững được, vì tiếng lành đồn xa mà tiếng xấu còn dễ đồn xa hơn.

Booking.com

Vì những lý do trên mà phải mất vài ngày sau khi đã dần quen với kiểu cách ở Lisbon thì mình mới bắt đầu thích Lisbon, bởi vì dù có những điểm không hài lòng thì Lisbon vẫn có nhiều điểm thú vị rất riêng và khác với những nơi mình đã từng đi qua ở châu Âu. 

khu phố cổ Alfama ở Lisbon

Đối với mình, Lisbon là một điểm đến để đi du lịch chậm rãi chứ không phải để vội vã. Khác với các thành phố khác, mình đến với Lisbon không với mục tiêu đi “tham quan bên trong” nhiều địa điểm và cũng không có một danh sách các địa điểm “nhất định phải đến”. Mình đến với Lisbon với mục tiêu lang thang đi dạo và ngắm cảnh “bên ngoài” là chính. Thay vì đến với một địa điểm tham quan cụ thể thì mình lượn lờ khắp phố qua các ngọn đồi với những con dốc và ngõ hẻm quanh co, lên các “miradouro – viewpoint” ngắm cảnh, hay là đi dạo dọc bờ sông để gió mát thổi tóc bay bay và thổi đi cả cái oi bức ngày hè.

một người khác du lịch đang lang thang quanh Lisbon

Một điều nữa đã giúp chuyến đi của mình trở nên kì diệu và giúp Bồ Đào Nha ghi điểm trong tim mình, đó chính là Sintra! Theo mình thì Sintra là một điểm đến không thể bỏ lỡ và có lẽ là mình còn thích Sintra hơn cả Lisbon. Sintra như là một thế giới cổ tích vượt xa hơn cả sức tưởng tượng của mình. Sintra là một nơi mình nghĩ rằng tụi mình có thể quay lại và dẫn gia đình đi chơi, chắc là mọi người sẽ rất thích.

một chùm phượng tím còn sót lại ở Lisbon

Kỷ niệm những nơi tụi mình đã đi ở Lisbon và Sintra

Khám phá Sintra: 

Tụi mình dành ra một ngày để khám phá Sintra với 3 điểm đến chính: Quinta da Regaleira (một cung điện với ngọn tháp xoáy ngược vào lòng đất như một chiếc giếng), Pena Palace (lâu đài nghỉ hè của hoàng gia Bồ Đào Nha xưa với màu sắc đỏ-vàng rực rỡ trên đỉnh núi), và Moorish Castle (thành cổ bằng đá trên đỉnh núi với nét gợi nhớ tới Vạn Lý Trường Thành).

thành cổ Moorish Castle

Đến với Sintra, tụi mình có cảm giác như đang đi lạc vào thế giới cổ tích. Sintra nằm trên núi cao với những khu rừng rậm rạp cây cối, với những cây cổ thụ thật cao và thảm thực vật phong phú. Và giữa cảnh rừng núi là những lâu đài ẩn hiện giữa rừng cây, tạo cảm giác vừa kì diệu, lại vừa huyền bí.

Tới Quinta da Regaleira, đầu mình “nhảy số” chuyện Thạch Sanh “ai mang công chúa dưới hang trở về”. Tới Pena Palace, mình lại ngỡ như đang ở trong thế giới Disney với câu chuyện Người đẹp và Quái vật hay Công chúa ngủ trong rừng. (Mình tìm hiểu thì thấy có nhiều người không thích Pena Palace lắm vì lâu đài kiểu sến sến, màu vàng vàng đỏ đỏ màu mè, lại không duyên dáng như các lâu đài khác ở châu Âu, nhưng mình lại thấy nếu nhìn Pena Palace bằng con mắt như trở về tuổi thơ hoặc là để trí tưởng tượng bay bổng thì lại Pena lại rất xinh đẹp. Tụi mình tới Pena vào buổi chiều, mây bay trên đỉnh núi ngang qua lâu đài, khiến cho tụi mình có cảm giác như đang ở trong bộ phim hoạt hình Castle in the Sky, hehee). Còn tới Moorish Castle, mình lại tưởng tượng ra cảnh lính gác ngày xưa đứng trên thành canh gác chống giặc.

chiếc tháp như giếng sâu ở Quinta da Regaleira

Nếu chỉ có 1 ngày để khám phá Sintra giống tụi mình và bạn muốn đi được nhiều điểm khác nhau thì sẽ cần lên kế hoạch kĩ lưỡng một chút xíu, vì ở Sintra nhiều đồi núi, phải đi bộ và leo dốc nhiều, nên sẽ vừa cần có thời gian để khám phá các địa điểm một cách thong thả và vừa cần thời gian để ăn uống và nghỉ ngơi để lấy sức đi tiếp.

Quinta da Regaleira rợp bóng cây

Nếu bạn chỉ đi 1 hoặc 2 địa điểm ở Sintra thì sẽ rất dễ dàng, chỉ cần chia ra sáng 1 địa điểm và chiều 1 địa điểm, sau đó nếu còn thời gian thì có thể đi biển ở Cascais hoặc Cabo da Roca hoặc chơi ở thị trấn Sintra, hoặc về lại Lisbon nghỉ ngơi.

Lịch trình của tụi mình để đi qua 3 địa điểm như sau: Buổi sáng tụi mình đi Quinta, sau đó đi bộ xuống thị trấn Sintra nghỉ trưa. Buổi chiều khoảng 1 rưỡi khởi hành đi Pena Palace (với vé vào cửa lúc 2 rưỡi), sau đó khoảng 5 giờ chiều đi bộ từ Pena qua Moorish castle (khoảng 15 phút, đi xuống dốc là chính) và chơi ở Moorish Castle. Lý do tụi mình đi Pena vào buổi chiều là vì khoảng tầm 10h sáng tới 12h trưa thì Pena rất đông người. Tụi mình đi đầu giờ chiều thì vẫn đông nhưng đỡ hơn một xíu vì nhiều người còn đang ăn trưa hoặc ở dưới thị trấn. Hơn nữa, Pena nằm cạnh Moorish castle nên 2 địa điểm này đi cùng 1 buổi thì tiện hơn, nếu đi 2 điểm này vào buổi sáng thì sẽ không kịp đi Quinta vì 5 rưỡi chiều là Quinta sẽ đóng cửa, trong khi Moorish castle mở cửa tới 6 rưỡi tối.

Khi mua vé vào lâu đài Pena trên trang web chính thức, bạn sẽ được giảm giá 5 phần trăm, lại đỡ phải xếp hàng mua vé – nhưng nhớ chọn thời gian vào cửa khoảng 15-20 phút sau khi bạn đã đặt chân tới Pena nhé, vì từ cổng soát vé phía ngoài đi lên tới cổng soát vé theo giờ phía trong thì mất một khoảng thời gian để đi bộ lên dốc nữa.

Pena Palace nhìn từ Moorish Castle qua

(Lịch trình là vậy nhưng hôm tụi mình đi thì vào mùa cháy rừng nên ban quản lý đồi Sintra đã đóng đường lên Pena palace và Moorish castle, thế là tụi mình chỉ đi Quinta da Regaleira và thị trấn Sintra tới trưa, sau đó về Belem chơi rồi chiều ngày hôm sau lại phải quay lại Sintra để đi Pena palace và Moorish castle – cũng may là tụi mình còn thời gian ở Lisbon và rủi ro cháy rừng đã giảm, nên đồi Sintra được mở cửa trở lại trước lúc tụi mình lên đường đi Porto).

Booking.com

Để di chuyển quanh Sintra, mọi người có thể đi xe buýt số 434 và 435 (giá vé lúc mình tìm hiểu thì chừng 11 euro/người/ngày nhưng có nhiều nguồn tin nói là giá đã tăng lên 15 euro). Ngoài xe 434 và 435 ra thì ở Sintra còn có xe taxi và xe tuk tuk nhưng giá cả sẽ cao hơn xe buýt. Vì đi 2 người nên tụi mình tính toán chi phí ra thì thấy đi Uber kết hợp với đi bộ sẽ rẻ hơn giá vé xe buýt cho 2 người. Tụi mình đi Uber lên Quinta da Regaleira rồi đi bộ xuống thị trấn, sau đó đi Uber lên Pena rồi đi bộ từ Pena ngược về Moorish castle, sau đó cuối ngày lẽ ra đi Uber nhưng có anh lái xe ế khách cuối ngày chở tụi mình xuống bến tàu với giá rẻ. Tổng cộng cả chuyến đi Sintra tụi mình trả tầm 23 euros, rẻ hơn đi xe buýt mà lại thuận tiện giờ giấc và không lãng phí thời gian đứng chờ xe buýt.

một hang sâu ở Quinta da Regaleira

Nghe nhạc Fado:

Tụi mình đi nghe nhạc Fado ở một quán ăn nhỏ tên là Duque da Rue trong trung tâm Lisbon. Giá cả ở quán cao hơn khoảng 2.5 lần các quán bình thường, vì thông qua tiền đồ ăn cũng là cách để trả tiền cho các nghệ sĩ biểu diễn Fado. Lựa chọn món ăn cũng không quá nhiều, chỉ như kiểu vài món nhậu nhưng các món được làm khá ngon và sau hơn 3 tuần ăn đồ Âu thì món súp rau ở đây đã giúp tụi mình đỡ nhớ nhà vì sao mà giống món canh rau của Việt Nam quá. 

Quán nhỏ và chỉ có hai dãy bàn be bé, ở giữa là hành lang cho nhân viên phục vụ đi lại cũng như các nghệ sĩ biểu diễn. Nhạc Fado da diết đi vào lòng người, khiến cho tụi mình dù không biết tiếng Bồ Đào Nha nên không hiểu nội dung lời hát, thì vẫn say mê đung đưa theo giai điệu. Mỗi khi giai điệu Fado vang lên là quán tắt đèn, chỉ có ánh sáng mờ mờ và điệu nhạc tràn ngập trong quán. Ngồi nghe Fado mà lòng mình có chút nhớ nhung những phòng trà và quán nhạc nhỏ ở Việt Nam, và cũng thấy điệu Fado và văn hoá Bồ Đào Nha trở nên gần gũi hơn với một khách du lịch vãng lai như mình.

một bức ảnh tự sướng qua gương của 2 bạn trẻ đi nghe nhạc Fado

Khám phá khu phố cổ Alfama

Khu phố cổ Alfama toạ lạc trên một trong bảy ngọn đồi ở Lisbon, với những con dốc thật cao và những con đường quanh co uốn lượn trên dốc. Tụi mình lượn lờ quanh Alfama, ra vài điểm miradouro/view point (như Santa Luzia và Portas do Sol) để ngắm những ngôi nhà ngói đỏ, cửa biển rộng lớn, và những ngọn đồi. Lang thang quanh Alfama, tụi mình cũng đi qua những di tích của người La Mã xây dựng được khai quật lên ở đây, được ngắm những chiếc xe Tram chạy dọc đường ray và chiếc Tram28 chờ đầy khách du lịch hehe. 

một góc Alfama, chụp hình lên vậy thôi chứ xung quanh mình toàn là khách du lịch hehee

Khu Alfama cũng giúp tụi mình thấy một góc khác của Lisbon, một góc thật hơn so với khu Baixa toàn khách du lịch, với những người dân sống trong những khu nhà cũ và nhỏ, quần áo treo ra phơi trước nhà, trên những ban công. Nhiều khi ở châu Âu mà lại nhớ về những khu tập thể cũ ở Việt Nam quê mình.

Lang thang quanh Alfama

Khám phá khu Belem: 

Belem chào đón tụi mình bằng những điều hết sức “ngọt ngào” (đúng theo nghĩa đen luôn haha) vì điều đầu tiên tụi mình làm ở Belem chính là đi ăn bánh trứng ở tiệm bánh Pasteis de Belem. Tiệm bánh Belem là nơi sinh ra món bánh trứng Belem nổi tiếng, vỏ bánh giòn và nhân bánh thơm ngon, không quá ngọt – rắc thêm chút bột quế lên trên bánh khiến món bánh đổi vị ăn không bị ngán. Theo tụi mình thì bánh trứng Belem ngon hơn các tiệm bánh trứng Pastel de Nata trong trung tâm Lisbon (mình sẽ viết thêm về các tiệm bánh Pastel de Nata mà tụi mình đã ăn thử ở phía dưới bài viết nhé). Tiệm Pasteis de Belem có nhiều chỗ xếp hàng khác nhau, 1 hàng là ăn trước quầy, 1 hàng là bánh đem đi, và 1 hàng là để ngồi xuống ăn trong khu cà phê phía sau tiệm. Tụi mình chọn ngồi lại ăn ở khu cà phê, rồi gọi 4 chiếc bánh ra ăn thử mà sau đó mê quá nên gọi thêm 2 chiếc nữa, ăn đồ ngọt mà no bụng luôn haha.

bánh trứng nướng ở Pasteis de Belem

Khu Belem có một số điểm tham quan nổi tiếng như tu viện Jeronimostượng đài Discoveries và tháp Belem. Tụi mình không vào trong tham quan các địa điểm ở Belem, mà chỉ đi bộ hóng gió từ tu viện Jerominos ra bờ sông Taugus, ngắm cây cầu 25 Abril màu đỏ như cầu Golden Gate ở San Francisco, rồi thuê scooter chạy dọc bờ sông từ tượng đài Discoveries qua tháp Belem (à mà giá thuê scooter ở Lisbon đắt đỏ phết!). Một buổi chiều tự do, mát mẻ với gió từ cửa sông thổi vào lồng lộng và một không gian thoáng đãng để ngồi nghỉ ngơi, ngắm người – khác hẳn với sự đông đúc và nhộn nhịp ở trung tâm Lisbon.

tụi mình ngồi chơi ở tháp Belem và được một cô khách du lịch chụp trộm rồi gửi hình cho 🙂

Khám phá khu Baixa và Chiado

Hai khu Baixa và Chiado có lẽ là đông khách du lịch nhất ở Lisbon. Mình thì ngại chỗ đông người lắm, nên tụi mình đi bộ qua một số điểm du lịch chính thôi chứ không dừng lại quá lâu. Tụi mình đi bộ từ quảng trường Rossio, qua chiếc thang máy kì lạ Santa Justa rồi đi dọc theo đường Augusta, xuống tới quảng trường Comercio, rồi vòng lên nhà thờ Carmo Convent. 

Booking.com

Thang máy Santa Justa lúc nào cũng đông người xếp hàng để đi lên nên tụi mình học được một cách để khỏi cần xếp hàng mà lại miễn phí, đó là đi vào đường Largo do Carmo bên hông nhà thờ Carmo Convent, từ đây có cầu thang đi bộ thẳng lên tới đỉnh của thang máy luôn. View thành phố Lisbon và các ngọn đồi từ đây khá là đẹp, tụi mình lên vào buổi chiều thì lại càng mát mẻ vì nhiều gió.

phố cổ Lisbon nhìn từ trên thang máy Santa Justa

Nhìn chung, mình thấy khu trung tâm Lisbon đông đúc và nhiều khách du lịch, hàng quán cũng chủ yếu là phục vụ khách chứ ít dân địa phương. Mình thích khu Alfama và khu Belem hơn khu trung tâm, mặc dù khách sạn của tụi mình nằm ở ngay quảng trường Rossio rất thuận tiện đi lại.

Đồ ăn ở Lisbon

Sau đây là những nơi mà tụi mình đã ăn ở Lisbon: 

Bánh trứng Bồ Đào Nha: Tụi mình đã đi ăn bánh trứng ở một số tiệm khác nhau để cảm nhận và so sánh hương vị, như là tiệm Pasteis de Belem (như mình đã kể ở phía trên về kỷ niệm đi chơi ở Belem). Tụi mình cũng ăn thử bánh ở tiệm Manteigaria trong khu Baixa trung tâm Lisbon. Bánh ở đây có vỏ khác với bánh ở Pasteis de Belem (kiểu nhiều lớp hơn và mỗi lớp mỏng hơn xíu nên giòn tan trong miệng) và nhân hơi ngọt hơn một chút xíu nhưng cũng rất ngon. Tụi mình thử luôn bánh ở tiệm Castro ở khu Baixa (với giá cao hơn các tiệm khác như Pasteis de Belem và Manteigaria) và thấy vỏ bánh ở Castro ăn khá ngon nhưng nhân bánh thì hơi ngọt. Trong khu Alfama thì tụi mình ăn thử bánh ở tiệm Santo Antonio thì thấy vỏ bánh ở đây hơi ỉu và ướt bơ còn nhân bánh thì bình thường (tuy nhiên bánh mì gà với hành phi ở đây ăn khá ngon với mùi vị gợi nhớ tới bánh mì chà bông của Việt Nam). Bánh ở tiệm Fabrica da Nata thì hơi cháy xém nên hơi đắng dù vỏ khá giòn, nhân thì hơi bị ngọt quá (tụi mình mua bánh mì baguette ở đây đem theo ăn trên đường thì thấy giá cả rẻ, khoảng hơn 4 euro/bánh và bánh ăn khá ổn nhưng không có gì xuất sắc). Cuối cùng, tụi mình ăn thử bánh trong siêu thị Lidl xem bánh bình dân ăn như thế nào (với giá cả chỉ bằng 1/3 giá cho khách du lịch) thì thấy đúng là bánh ở các tiệm bánh có chất lượng cao hơn hẳn, nhưng bánh siêu thị cũng không tệ.

cho bánh trứng đi “check-in” ở thang máy Santa Justa

Tiệm Duque Restaurante: đây là bữa ăn ngon nhất của tụi mình ở Lisbon, dù tụi mình chưa đi ăn được nhiều nơi để so sánh và thường thì bữa trưa tụi mình mua bánh mì để đem theo đi bộ đi chơi. Tiệm khá nhỏ nên cần đặt chỗ trước và khách ngồi chật tiệm. Đồ ăn ở đây có khẩu phần khá nhỏ nên 2 đứa tụi mình ăn hết ba món hehe. Tụi mình rất thích món đuôi bạch tuộc và cơm hải sản ở đây, đồ ăn tươi ngon với gia vị nêm nếm rất vừa miệng.

bạch tuộc nướng và cơm hải sản ở tiệm Duque

Tiệm Duque da Rue: đây là tiệm mà tụi mình đi ăn và nghe nhạc Fado như mình đã kể ở trên. Tiệm không có hệ thống đặt chỗ trước nên mình gửi email luôn cho tiện lợi, nhưng mình nghĩ là gọi điện thoại đặt chỗ trước cũng được.

Tiệm O Frade (khu Belem chứ không phải tiệm trùng tên ở 1 khu khác): đây là một tiệm được giới thiệu trong Michelin guide (tiệm không có sao Michelin và mình nghĩ là còn xa lắm mới có sao được). Tiệm bán đồ Bồ Đào Nha và xếp bàn theo kiểu quầy bar để thực khách được ngồi xem đầu bếp sắp đặt và trang trí món ăn. Đồ ăn ở tiệm này ngon nhưng không xuất sắc được như tiệm Duque Restaurante và giá cả theo mình là khá cao so với mặt bằng chung nên mình thấy cũng không đáng giá cho lắm.

ngắm chef ở tiệm O Frade

Khách sạn ở Lisbon

Tụi mình ở khách sạn gần quảng trường Rossio cho tiện tàu xe và tiện đi bộ lượn lờ, và vì khu này không nằm trên đồi nên cũng đỡ phải kéo va li đi lên dốc hay là đi bộ lên dốc mỗi lần đi chơi xong quay về lại nhà. Mình để link khách sạn tụi mình ở ở đây cho bạn nào quan tâm (khách sạn 3 sao thôi nhưng mà phòng mới, sạch sẽ và còn có bánh trứng ăn nữa hehe), nhưng mà thực ra mình nghĩ khách sạn ở quanh khu này đều ổn như nhau cả (vì mình đã đổi khách sạn vài lần mỗi khi tìm được khách sạn giá rẻ hơn, và khách sạn tụi mình ở thì mình đặt trước đúng 3 ngày trước khi tới Lisbon vì khách sạn giảm giá hơn 40 euros/đêm vì sát ngày).

Mình thấy khách sạn ở khu Belem cũng khá ổn nếu bạn nào muốn tham quan kĩ nhiều điểm ở Belem. Nhìn chung, ở Lisbon thì cứ ở các khu dọc đường tàu xe chạy là đi lại sẽ dễ dàng, như là khu Baixa, Chiado hay Principe Real.

Booking.com

Di chuyển ở Lisbon

Mình đã viết về cách di chuyển quanh Sintra ở phía trên, nên ở mục này mình sẽ tập trung nói về Lisbon thôi nhé.

Mình thấy đi lại ở Lisbon khá là dễ dàng với hệ thống xe buýt, xe tram, xe điện và tàu. Tụi mình mua thẻ viva viagem ở bến tàu (giá 0.5 euros một người) và sau khi nạp tiền thì thẻ này dùng được ở các phương tiện công cộng. Tụi mình đi bộ rất nhiều và có 1 số lần đi Uber hoặc thuê xe scooter chạy dọc bờ sông nên cả chuyến đi chỉ cần bỏ chừng 10 euros vào mỗi thẻ là đủ, và mỗi lần thì mình nạp 5 euros tới khi nào sắp hết tiền mới nạp tiếp.

Monument of Discoveries ở Belem

Kết

Sintra kì diệu như một thế giới cổ tích, những chiếc bánh trứng ngon, giòn, ngọt, và điệu hát fado da diết thiết tha, cũng như bờ sông Tagus lộng gió buổi chiều tà sẽ là những điều khiến mình yêu và nhớ về Lisbon và Sintra. Còn bây giờ thì chào Lisbon nhé, tụi mình tiếp tục hành trình tới điểm đến cuối cùng ở Bồ Đào Nha là Porto đây.

Booking.com

Leave a Comment