||đọc|| A House in the Sky (Amanda Lindhout & Sara Corbett)
(vẫn) theo mục tiêu cô-gái-tập-đọc đã được đặt ra ở đây: ||đọc|| Mục đích đọc sách trong những năm tới, thì mình lại tiếp tục tìm đến những cuốn sách mới để giải cái sự ngố 🙂 lần này, mình vừa đọc xong cuốn hồi kí A House in the Sky của Amanda Lindhout, được viết lại qua lời văn của Sara Corbett (hiện chưa có sách tiếng Việt nên mình chưa biết tên sách tiếng Việt là gì).
A House in the Sky là một cuốn hồi kí vô cùng ám ảnh đối với mình… Cuốn hồi kí kể về cuộc đời của cô gái người Canada, cũng là đồng tác giả của cuốn sách – Amanda Lindhout. Tuổi thơ của Amanda gắn liền với sự lớn lên của cô trong một gia đình nghèo, bạo lực, ở một thị trấn nhỏ tên là Sylvan Lake ở tỉnh Alberta. Cô bé Amanda rất mê xem hình ảnh về những kì quan thế giới, những thành phố và những đất nước xa lạ, và đọc bài viết về du lịch từ những cuốn tạp chí National Geographic cũ kĩ, vừa đọc vừa mơ ước một ngày nào đó cô sẽ được đi đến những thành phố và những đất nước xinh đẹp, xa lạ kia. Amanda rời bỏ gia đình bạo lực của mình năm 19 tuổi để lên thành phố kiếm sống. Với số tiền dành dụm được từ việc làm phục vụ bàn, cô gái này đã đi phượt khắp hơn bốn mươi nước trên thế giới – từ Nam Mỹ cho tới châu Á, rồi cả châu Phi… Amanda cứ đi làm khoảng nửa năm là lại “xách ba lô lên và đi”, phượt khoảng 5-6 tháng tới khi hết tiền thì lại quay về làm tiếp công việc phụ bàn, để tiếp tục kiếm tiền đi khám phá thế giới.
Một cuốn sách viết về chuyện đi phượt khắp thế giới, bao gồm cả những đất nước nguy hiểm như Afghanistan, Iran, hay Iraq, đã đủ thú vị rồi. Nhưng điều khiến cho A House in the Sky trở thành một cuốn sách được đón đọc khắp thế giới, và khiến mình bị ám ảnh, là ở câu chuyện chính mà cuốn sách truyền tải tới: câu chuyện về việc Amanda và bạn đồng hành Nigel của cô bị một nhóm Hồi giáo khá cực đoan ở Somalia bắt cóc làm con tin, giam giữ trong suốt 460 ngày để đòi tiền chuộc.
Cuốn sách đưa mình tới một thế giới có thật – một thế giới rất đáng sợ và hãi hùng, mà không ai ở trong một xã hội tự do và văn minh có thể tưởng tượng ra sự tồn tại của nó. Những tên bắt cóc Amanda rất sùng đạo, vì vậy mà Amanda và Nigel đã giả vờ là họ muốn trở thành tín đồ Hồi giáo, để được chúng dạy cho hiểu hơn về tôn giáo của chúng và hi vọng là cùng là người Hồi giáo với nhau thì chúng sẽ không làm hại tới Amanda và Nigel. Tuy nhiên, những kẻ bắt cóc Amanda lại là những thanh niên sùng đạo khá cực đoan. Abdullah, một trong những kẻ đáng sợ nhất trong bang bắt cóc, kẻ đã hành hạ và dày vò thể xác và tâm hồn Amanda, có mong muốn là được giết rất nhiều người và được trở thành một kẻ đánh bom liều chết. Hắn cũng là kẻ đầu tiên trong đám bắt cóc đã xâm hại tình dục Amanda, không phải một lần mà rất rất nhiều lần – bởi theo lời kinh Hồi giáo, thì mặc dù người theo đạo không được có quan hệ bên ngoài hôn nhân – đó là một tội lỗi lớn, nhưng họ có thể làm bất cứ điều gì với kẻ mà họ “sở hữu”, và Abdullah đã coi Amanda như một kẻ mà hắn sở hữu – và sau đó thì những kẻ còn lại trong bang bắt cóc cũng đã hành động như là Abdullah với Amanda. Thật khó có thể tưởng tượng được, ở một nơi nào đó trên thế giới, lại có những kẻ có những hành động mất nhân tính tới vậy, một hành động rõ ràng là sai trái trong mắt đại đa số mọi người, nhưng trong mắt tụi bắt cóc và những người xung quanh chúng thì những hành động đó không hề có tội.
Ngoài việc xâm hại Amanda, trong suốt 15 tháng bị giam giữ, băng đảng bắt cóc đã đánh đập cô rất rất nhiều lần (chúng đá vào hông, đánh vào đầu, tát vào mặt), chúng bỏ đói cô, không cho cô tắm giặt, trong một thời gian dài còn không cho cô nhìn thấy ánh sáng mặt trời, xích hai chân cô trong vòng nhiều tháng, và có lần còn trói hai tay hai chân cô lại như trói động vật rồi đánh đập cô… Tất cả chỉ để đòi được tiền chuộc từ cha mẹ cô… nhưng lại được chúng giải thích rằng thánh A-la đã nói với chúng rằng việc cần xảy ra là bắt cóc cô và chúng chỉ làm theo thời của A-la.
Cuốn sách kể hết chuỗi những ngày bị giam giữ, đánh đập và bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần của Amanda, từng chi tiết, từng cảm xúc và sự đau đớn của cô mỗi ngày mỗi phút trôi qua – những điều đáng sợ ngoài sức tưởng tưởng của bất cứ ai. Ngoài sự thật trần trụi về những kẻ bắt cóc, cuốn sách còn nói lên sự thực về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Hồi giáo. Người phụ nữ luôn là kẻ xếp hàng sau cùng khi cầu nguyện. Người phụ nữ luôn là kẻ đầu tiên bị đổ lỗi và hành hạ mỗi khi có chuyện gì xấu xảy ra. Amanda luôn bị gọi là “stupid woman” hay là “bad Muslim”. Khi việc cô và Nigel trốn thoát bị bại lộ, chúng ngay lập tức đổ mọi lỗi lầm lên Amanda (mặc dù người lập ra kế hoạch là Nigel)- nhưng Nigel là đàn ông nên không hề phải trải qua những điều mà Amanda phải trải qua như là bị nhốt trong phòng tối, bị đánh đập, bị bỏ đói, bị hãm hiếp tập thể… Dù đều là hai con tin bị bắt cùng nhau, nhưng trải nghiệm của Amanda đáng sợ và đau đớn hơn trải nghiệm của Nigel gấp rất nhiều lần.
Mặc dù những tình tiết của cuốn Hồi kí này rất ám ảnh, nhưng nhìn chung, cuốn sách không hề ảm đạm, đáng sợ, hay bi đát một chút nào. Bởi vì xuyên suốt khoảng thời gian bị bắt giữ, Amanda luôn giữ niềm hi vọng của cô, luôn tin tưởng rằng mình sẽ khoẻ lại, mình sẽ được tự do, và mình sẽ được về lại với gia đình, bạn bè, được yêu thương và được an toàn. Niềm hi vọng của Amanda là nguồn lực giúp cô vượt qua tất cả đau khổ, vượt qua cả lần cô đã cầm sẵn con dao lam định cắt mạch máu ở tay để tự tử… Niềm hi vọng chính là sức mạnh lớn nhất của Amanda 🙂
Tên cuốn sách, A House in the Sky, chính là cái tên mà Amanda đặt cho niềm hi vọng của mình. Ở những thời điểm tăm tối nhất, Amanda dùng trí tưởng tượng của cô để tưởng tượng ra một ngôi nhà giả tưởng trên bầu trời cao, nơi mà cô sẽ được tự do, an toàn và khoẻ mạnh:
“In my mind, I built stairways. At the end of the stairways, I imagined rooms. These were high, airy places with big windows and a cool breeze moving through. I imagined one room opening brightly onto another room until I’d built a house, a place with hallways and more staircases. I built many houses, one after another, and those gave rise to a city — a calm, sparkling city near the ocean, a place like Vancouver. I put myself there, and that’s where I lived, in the wide-open sky of my mind. I made friends and read books and went running on a footpath in a jewel-green park along the harbour. I ate pancakes drizzled in syrup and took baths and watched sunlight pour through trees. This wasn’t longing, and it wasn’t insanity. It was relief. It got me through.”
Một điểm tích cực khác mà cuốn sách truyền tải, bên cạnh niềm hi vọng không dập tắt được của Amanda, chính là lòng vị tha của cô. Amanda đã tha thứ cho những kẻ bắt cóc cô… và quan trọng hơn, là cô đã tha thứ cho chính mình. Cô không còn dằn vặt bản thân vì quyết định dại dột đi tới Somalia của mình – quyết định mà đã khiến cho cô, Nigel, và gia đình của cả 2 người phải trải qua những tháng ngày lo lắng, khổ sở…
A House in the Sky, theo mình, là một cuốn hồi kí rất đáng được đọc… Để biết thêm một phần về một góc nhỏ đáng sợ của thế giới. Amanda, trong khi bị bắt cóc và sau khi được về với thế giới tự do, đã luôn gìn giữ niềm hi vọng, lòng vị tha, và đã nhận ra tầm quan trọng của những điều chúng ta có trong cuộc sống nhưng đôi khi không biết trân trọng như là gia đình, bạn bè, sự an toàn, sự tự do, và cả những điều nhỏ nhoi như một bữa ăn no, một viên kẹo sô cô la… Những điều mà có lẽ những độc giả như mình cũng cần học cách trân trọng 🙂