|chuyện đi làm| 03.05.2021 – sếp của sếp của sếp nói về rào cản của phụ nữ châu Á
hôm nay, mình muốn kể một câu chuyện ngắn về một sự việc nho nhỏ vừa xảy ra với mình ở chỗ làm: sếp của sếp của sếp mình nói với mình về rào cản trong công việc của một người phụ nữ châu Á 🙂
sếp của sếp của sếp mình, từ đây mình xin gọi tạm là Sếp, là một người phụ nữ châu Á. chức vụ của Sếp khá là to (kiểu như nếu mình là nhân viên chạy bàn giấy thì Sếp là Cục Trưởng hay Thứ Trưởng vậy đó). vậy nên từ ngày mình bắt đầu đi làm ở văn phòng này cho tới giờ (khoảng 3 tháng), thì mình chưa bao giờ có cơ hội được tương tác trực tiếp với Sếp cả (một phần cũng vì COVID nên mọi người chủ yếu đều làm việc tại nhà). hôm nay Sếp trích thời gian quý giá của Sếp để gặp mình qua màn ảnh nhỏ 15 phút, gọi là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Sếp và nhân viên mới 🙂
trong những buổi gặp gỡ như thế này, mình thường chuẩn bị vài câu hỏi để hỏi đối phương, để mình hiểu rõ thêm về họ, cũng như tạo ấn tượng tốt cho một nhân viên mới. có một điều mà mình thấy khá thú vị ở văn phòng của mình, đó là có rất nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp do phụ nữ đảm nhiệm (điều này trái ngược với những nơi mà mình đã làm trước đây, khi mà toàn bộ, hoặc hầu hết, các chức vụ cao cấp là do đàn ông đảm nhiệm). vậy nên mình đã hỏi Sếp rằng trong sự nghiệp của Sếp, Sếp có gặp trở ngại gì khi là một người phụ nữ hay không 🙂
Sếp trả lời mình rằng, Sếp rất may mắn khi không gặp phải một trở ngại nào ở phương diện là phụ nữ so với cánh đàn ông cả. tuy nhiên, trở ngại mà Sếp gặp phải lại nằm ở chỗ Sếp là một người phụ nữ châu Á.
đầu tiên, Sếp kể rằng, vì là phụ nữ châu Á nên trông mặt Sếp rất trẻ. để được người đối diện coi trọng mình một cách nghiêm túc, Sếp phải cố gắng để trông Sếp không trẻ (khiến nhiều người coi mình như là thiếu kinh nghiệm hoặc chưa đủ tầm để được lên chức vụ quản lý). Sếp bảo rằng vào những ngày thứ 6, sếp không bao giờ mặc đồ “casual” đi làm như những người khác (ở Canada thường có khái niệm Casual Friday, tức là hàng tuần, vào ngày thứ 6 thì được mặc quần áo bình thường như kiểu quần Jeans áo thun đi làm thay vì mặc trang phục công sở như những ngày khác). lúc nào Sếp cũng mặc trang phục công sở nghiêm túc để trông Sếp “già thêm”. Sếp bảo rằng không ai bắt Sếp phải làm vậy nhưng tự Sếp cảm giác rằng mình phải làm vậy để được trân trọng và không bị coi như một đứa trẻ ở văn phòng.
điều này thật sự làm mình vừa ngạc nhiên, vừa không ngạc nhiên. mình ngạc nhiên vì bây giờ mình mới nhận ra rằng đôi khi rào cản trong công việc lại đến từ những điều rất nhỏ nhặt như là “mặt non choẹt” như vậy. nhưng mình cũng không ngạc nhiên, bởi vì chính mình cũng đã trải qua trải nghiệm tương tự (mỗi tội là mình chưa đủ tinh tế để nhận ra vấn đề). ở chỗ làm trước đây của mình, mọi người cũng hay trêu mình là “Lan mà đi mua rượu chắc toàn bị hỏi giấy tờ vì mặt nó nhìn như con nít”. mình chưa bao giờ nghĩ xa và rộng ra được như Sếp, là ngoại hình châu Á có thể làm ảnh hưởng tới cách người khác đối xử với mình như thế nào trong công việc.
điều thứ hai mà Sếp kể với mình, là việc Sếp không phải là người hoạt ngôn và không thích làm trung tâm của sự chú ý. phụ nữ châu Á thường chỉ nói khi cần thiết – và Sếp là người có thể nói về vấn đề “technical”/”chuyên môn” được, nhưng nói chuyện xã giao thì Sếp không thoải mái lắm.
điều này thật sự làm mình thấy “wowww” – bởi vì chính mình cũng là một người như vậy. mình cũng khá nhút nhát và chỉ thấy dễ nói chuyện chuyên môn chứ không dễ nói chuyện ngoài lề, và lại càng khó mở lời hơn khi ở trong một đám đông. (mình là một introvert đích thực haha). đặc biệt, khi trong một nhóm người có nhiều người đàn ông, nhất là đàn ông Tây nữa, thì mình thường lắng nghe nhiều hơn là nói ra. nếu có một từ để diễn tả ấn tượng về mình của một số người từng làm chung với mình, thì có lẽ có nhiều người sẽ chọn từ “quiet” – “im lặng” 🙂
vì cuộc nói chuyện của mình với Sếp chỉ được sắp đặt trong vòng 15 phút, nên Sếp và mình không thể chia sẻ được quá nhiều. Sếp đã rất tốt bụng và khuyên mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó rằng “always make yourself heard” and “always make yourself worth listening to” – hãy luôn luôn khiến ý kiến của mình được người khác nghe thấy, và hãy luôn luôn khiến bản thân mình đáng được lắng nghe (mình dịch sơ sơ lại là như vậy). Sếp cũng kể thêm rằng Sếp luôn cố gắng làm việc chăm chỉ và khiến bản thân được công nhận qua chất lượng công việc tốt hơn so với những người xung quanh, và khuyên mình hãy “make yourself standout from others” – tự làm mình nổi bật hơn những người khác qua chất lượng công việc.
thật sự là một lời khuyên đáng giá vô cùng. nhiều lúc mình cảm thấy mình thật là nhỏ bé và không biết có nên nói ra những điều mình đang suy nghĩ hay không, vì mình sợ điều mình nói ra không có giá trị. nhưng mình biết là mình là người có khả năng và có sự chăm chỉ, sự cố gắng. một người Sếp nam giới của mình đã từng nói với mình thế này, khi mà mình hỏi ổng có tính tuyển người mới là phụ nữ hay không (vì lúc đó team chỉ có 1 mình mình là nữ) – ổng bảo: Lan ah, tao tuyển mày vì tao thấy mày giỏi chứ không phải vì mày là phụ nữ – vậy nên tao cũng sẽ tuyển người mới là một người giỏi, bất kể người đó là nữ hay nam. thật sự mà nói, nếu có may mắn được làm việc trong một môi trường không đặt nặng vấn đề giới tính và đối xử với nhân viên một cách bình đẳng, thì mình phải cố gắng để “make myself heard and make myself worth listening to” thôi 🙂