|work| cần chuẩn bị gì cho ngày đầu đi làm ở Canada?
cách đây vài hôm, có một chị “độc giả” dễ thương đã gửi email hỏi mình về những điều cần chuẩn bị cho người mới đi làm ở Canada. trước đây mình đã có viết một số bài viết về trải nghiệm đi làm ở Canada của mình, từ lúc mới tốt nghiệp cho tới năm thứ ba đi làm. năm nay là năm thứ 4 mình đi làm rồi, và mình nhận ra là có nhiều quan điểm cũng như nhận thức của mình đã thay đổi sau 4 năm 🙂
vậy nên hôm nay, mình sẽ viết một bài ngắn về những điều mình thường chuẩn bị khi đi làm ở một nơi mới, vừa để trả lời câu hỏi của bạn đọc blog, vừa là để “cập nhật”/”update” những quan điểm và nhận thức cũ mà mình đã viết trên blog trong 3 năm trước khi còn “ngô nghê” mới chân ướt chân ráo đi làm =))
bài viết của mình sẽ xoay quanh trả lời câu hỏi của một bạn đọc blog sắp từ Việt Nam qua Canada nhé (khi nào có thời gian, mình sẽ viết một bài viết kĩ hơn về “văn hoá làm việc ở Canada”), vậy nên bài viết này không áp dụng cho các bạn đã ở Canada lâu rồi hoặc đã đi làm văn phòng ở Canada rồi nhé 😀 – các câu hỏi cụ thể gồm có:
- kinh nghiệm chuẩn bị vào office/văn phòng làm việc, ví dụ như quần áo, v.v.?
- người local/bản địa ăn uống như thế nào?
- người local có thích make friend/kết bạn với người mới như người Việt Nam mình hay không?
câu hỏi số 1: chuẩn bị gì khi mới đi làm?
nhìn chung, mình thấy văn hoá làm việc phụ thuộc rất nhiều vào văn hoá của những người làm cùng với chúng ta trên văn phòng 🙂 vì vậy, để nhanh chóng hoà nhập, trong những ngày đầu tiên đi làm, mình sẽ ráng “scan”/”nhìn vòng vòng xung quanh” thật nhiều để “thu thập dữ liệu” về những người làm chung với mình 😀
vào ngày đầu tiên đi làm, khi chưa thu thập được dữ liệu về những người đồng nghiệp, bạn có thể vào website của công ty để xem “org chart” trước, tức là viết tắt của “organization chart”, để xem tên tuổi, chức vụ của đồng nghiệp. thường thì mình sẽ ráng nhớ tên càng nhiều người càng tốt, để sau này đi làm thì “nhớ mặt rồi ráp mặt vào tên” của những người này, đặc biệt là mặt và tên các sếp :))) ai cũng thích được người khác nhớ mặt, nhớ tên – mà tên và mặt người Tây đôi khi khó nhớ đối với người châu Á tụi mình, nên mình chuẩn bị trước được không bao giờ là thừa. đôi khi mình hơi “stalker” một chút thì mình sẽ lên Linkedin và Google để tìm trước thông tin của một số người quan trọng mà mình làm cùng để biết xem họ tới từ đâu, họ học ngành gì / làm trong mảng gì, vân vân 😀 sau này khi đi làm rồi thì mình sẽ ráng nhìn bảng tên của họ (thường gắn ở cửa office/văn phòng của họ, hoặc gắn ở “cubicle”/bàn làm việc của họ) để tiếp tục “ráp mặt vào tên” 😀
chỗ làm nào cũng khá là giống nhau, trong ngày đầu tiên, tụi mình sẽ được sếp dẫn đi vòng quanh văn phòng để chào hỏi và làm quen từng người đồng nghiệp. thường thì sếp sẽ giới thiệu, “đây là anh Bob Smith, anh Bob làm chức vụ X ở công ty mình. giới thiệu với Bob, đây là Lan, Lan là nhân viên mới làm chức vụ Y trong team của tôi”, anh Bob sẽ ra bắt tay tụi mình và giới thiệu lại “tui là Bob, rất vui được gặp bạn… và công việc cụ thể của tôi là làm việc A, việc B, việc C cho công ty”. tụi mình chỉ cần tươi cười chào hỏi, bắt tay lại người ta, và đôi khi là tự giới thiệu về mình một cách ngắn gọn nhất có thể. thường thì những cuộc nói chuyện này kéo dài vài phút, vì tụi mình sẽ phải đi vòng quanh để gặp hết tất cả mọi người 😀
về quần áo, trong một-số-ngày đầu tiên đi làm (mình xin nhấn mạnh là một-số-ngày thôi nha), mình thường mặc đồ theo phong cách an toàn và chuyên nghiệp nhất. thường thì trước khi đi làm, tụi mình có thể hỏi sếp hoặc HR là cách ăn mặc quy định của văn phòng là gì – thường là “business” hay là “business casual” hoặc “casual” luôn (dù “casual” hơi hiếm).
- cách ăn mặc kiểu “business” dễ hình dung nhất là mặc “suit”/complê – đây là kiểu phổ biến với những công việc cần tiếp xúc với khách hàng nhiều hoặc là những công việc sang chảnh trong các ngành như luật sư, chính trị…
- cách ăn mặc kiểu “casual” thì ngược lại với kiểu “business”, kiểu “casual” là quần jeans, áo thun, giày thể thao, hoặc ăn mặc tự do – đây là kiểu phổ biến với những công việc như kĩ sư phần mềm (IT), công việc ít tiếp xúc với khách hàng, hoặc công việc sáng tạo.
- kiểu ăn mặc phổ biến nhất có lẽ là kiểu lai giữa “business” và “casual”, tức là “business casual” =)) thường thì các văn phòng sẽ cho tụi mình “casual” vào ngày thứ 6 (jeans day) – đây thường là ngày duy nhất nhân viên văn phòng được mặc quần jeans đi làm 😀 còn các ngày còn lại sẽ là “business casual”, tức là không tới mức phải mặc suit, nhưng cũng không được đơn giản như là mặc jeans. đàn ông thì thường mặc sơ mi, nhưng không bắt buộc phải thắt cà vạt – trời lạnh thì có thể thêm áo len bên ngoài sơ mi – đi giày tối màu và không phải là giày thể thao nhiều màu sắc. phụ nữ thì thường mặc áo “blouse” (mình cũng ko biết dịch ra tiếng việt là gì), quần vải/chân váy hoặc mặc đầm.
sau đây mình xin ví dụ hình ảnh business casual của nữ, search Google cái là ra liền 😀
trong ngày đầu đi làm, mình sẽ đảm bảo khoác thêm áo “blazer” cho “chuyên nghiệp”, nếu trong văn phòng hơi nóng thì có thể cởi áo blazer ra sau khi đã đi chào hết các anh chị đồng nghiệp 🙂 mình cũng thường mặc quần tay cho chân váy (quan điểm cá nhân thôi), vì ngày đầu lên văn phòng không biết môi trường như thế nào, nên để tránh “rủi ro” không đáng có thì mình chọn giải pháp “quần” cho an toàn 🙂
tuy phong cách “business casual” là như vậy, nhưng như mình đã chú ý ở trên, chỉ cần ăn mặc an toàn trong một-số-ngày đầu đi làm thôi 🙂 vì sau vài ngày đi làm, tụi mình sẽ thường “scan” qua được các đồng nghiệp cùng giới tính với mình mặc gì – và mình cứ mặc theo họ là được 🙂 nếu thấy đồng nghiệp trên chỗ làm ăn mặc đẹp và chỉn chu (ví dụ: đồ màu neutral/trung tính, hoặc đồ được tailor/cắt may chỉn chu, hoặc các đồng nghiệp nữ luôn mặc blazer, đi giày đen) thì mình cũng nên ăn mặc chỉn chu như họ. nếu thấy đồng nghiệp trên chỗ làm ăn mặc “casual” hơn (ví dụ như mùa đông vừa rồi, nhân viên nữ ở chỗ làm của mình toàn mặc áo len/sweater thay vì combo áo blouse+blazer) thì mình có thể mặc “hạ xuống” casual như họ. nói chung là khi chưa biết mình nên làm gì thì đi theo số đông sẽ khá là an toàn 🙂 mình nói là như vậy không có nghĩa là mình khuyên mọi người nên luôn luôn đi theo số đông nhé 😛 khi bạn biết mình nên làm gì rồi, thì bạn có thể ăn mặc theo phong cách của riêng bạn, hoặc là “dress for the job you want, not the job you have” 😉
bonus information (thông tin thêm) cho bạn nào chưa qua Canada, thì thời trang công sở kiểu “business casual” có thể được tham khảo qua phong cách thời trang công sở của một số các hãng thời trang ở Canada mà bạn có thể google như sau:
- quần áo “basic”/”cơ bản” (chất lượng tốt và giá tầm trung): Uniqlo, Gap
- quần áo nữ trẻ trung (chất lượng tốt và giá cả hơi cao): Aritzia, Frank & Oak
- quần áo nữ trẻ trung (chất lượng tàm tạm và giá cả tầm trung cho fast fashion): Zara, H&M, Dynamite
- quần áo nữ trên 30 (chất lượng tốt và giá cả cao): Club Monaco, Banana Republic, các hãng trong Nordstrom / Hudson Bay
- quần áo nữ trên 30 (chất lượng khá tốt và giá cả tầm trung): RW&Co, Reitmans, Loft, Talbot
câu hỏi số 2: người bản địa ăn uống như thế nào?
trên văn phòng làm việc thường có phòng ăn cho nhân viên, trong đó thường sẽ có máy pha cà phê, tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng bánh mì, v.v. để phục vụ nhu cầu ăn sáng, uống trà, ăn trưa của nhân viên 🙂
nhìn chung, người Việt mình nên chú ý một điểm khi nấu cơm trưa đem lên chỗ làm và hâm lại đồ ăn trong lò vi sóng: đó là tránh đem đồ ăn “có mùi” như là đồ ăn có nước mắm (thịt kho chẳng hạn), hoặc đồ thuỷ hải sản (cá kho chẳng hạn, cá hồi thì các bạn tây lại thường ok) 😛 tụi mình ăn thịt kho quen và thấy thịt kho thơm không có nghĩa là các bạn tây thấy nước mắm trong lò vi sóng thơm đâu ạ 😛 mình thích ăn gì thì ăn – không có gì là sai cả, nhưng nếu mình tôn trọng các bạn đồng nghiệp cùng dùng chung lò vi sóng và phòng ăn trưa với mình, thì mình nên bớt bớt nêm nước mắm lại và chịu khó nêm muối tạm 😛
thường thì ngày đầu tiên đi làm, sếp sẽ thường “ưu ái” đưa bạn đi uống cà phê sáng (sếp thường trả tiền), hoặc đi ăn trưa (sếp cũng trả tiền) 🙂 tuy nhiên, sau khi được ưu ái trong ngày đầu tiên, thì ngày thứ hai thường là sẽ “phụ thuộc ở bạn” và phụ thuộc vào văn hoá cà phê – ăn trưa của những đồng nghiệp của bạn 😀
“phụ thuộc ở bạn” và phụ thuộc vào văn hoá ăn trưa của đồng nghiệp của bạn là như thế nào? sau đây là trải nghiệm “ăn trưa” của mình ở 4 chỗ làm khác nhau:
chỗ làm đầu tiên của mình khi mới ra trường, sếp mình ăn trưa trong văn phòng của ổng chứ không ăn chung. còn 1/3 số nhân viên thì tụ tập lại cùng ăn trưa với nhau, 1/3 thì đi bộ-đi gym-đi ăn ngoài, 1/3 thì ăn ở bàn làm việc 😛 hồi đầu mình bỡ ngỡ nên mình “đi theo đám đông” tụ tập ăn trưa với người ta, thấy người ta ngồi xuống ăn thì mình cũng ngồi xuống theo =))) nhìn chung mọi người dễ gần và cởi mở nên bắt chuyện với mình, và chủ yếu trong lúc ăn người ta cũng buôn chuyện từ trên trời dưới đất với nhau, từ chuyện họ đang xem phim gì trên netflix, tới chuyện họ chơi thể thao thế nào, tới chuyện con cái họ… tuỳ vào tuổi tác (trẻ/trung niên) và tình trạng hôn nhân (độc thân/có gia đình/có con) cũng như sở thích của đồng nghiệp mà câu chuyện sẽ có chủ đề khác nhau 😛 sau khi đi làm được hơn 1 năm thì mình “gia nhập” nhóm ăn ở bàn làm việc, lâu lâu mới ra ăn chung =)) vì ăn ở bàn làm việc vừa nhanh, vừa đọc Internet được trong lúc ăn, ăn xong thì lại thành nhóm ra ngoài đi bộ =))
chỗ làm thứ 2 của mình (công ty X rất rất tệ mà mình đã bỏ việc sau 4 tháng), sếp đi ăn trưa lúc nào mình không biết luôn =)) còn mình thì cô đơn nên toàn đi ăn ngoài rồi đi bộ 🙁
chỗ làm thứ 3 của mình, toàn là các chị em nên lại thành hội chị em chuyên rủ nhau đi mua đồ ăn ngoài. cuộc đi bộ đi mua đồ ăn là lúc để chị em tám chuyện với nhau, nhưng thường thì khi về lại văn phòng thì ai ngồi ăn ở bàn làm việc của người đó. mình ngồi ở phòng ăn chung được 2 hôm, hôm đầu tiên và hôm thứ 2 đi làm 😛 sau khi thấy chả có ai thích ngồi ăn ở phòng ăn chung cả (vì chỉ có 1 mình mình và 1 người mới vào làm cùng mình ngồi ăn chung với nhau) thì mình mới chuyển vào ăn ở bàn làm việc 😛 được cái chỗ làm thứ 3 của mình rất thích đi ăn phở nên hay tụ tập ăn vào ngày thứ 6 🙂
chỗ làm thứ 4 của mình thì vì COVID mà mọi người đều “work from home”/”làm ở nhà” nên mình chưa có ấn tượng sâu sắc lắm 😛
nhìn chung, quan hệ “ăn trưa” của đồng nghiệp ở Canada không đông vui như ở Việt Nam đâu ạ 😛 thường hiếm khi mà tất cả các bữa ăn trưa đều ăn cùng nhau, cũng ít có dịp đồng nghiệp đi ăn tối, ăn tăng 2 tăng 3 với nhau. và đặc biệt là ít chuyện “gossip” trong bữa ăn trưa về những thông tin cá nhân của các đồng nghiệp khác (ít chứ không phải là không có) 🙂
tuy nhiên, mình cũng phải nói là khi đi làm ở Canada, có một hoặc vài người “coffee buddy” (bạn cà phê) và “lunch buddy” (bạn ăn trưa) khá là quan trọng. thứ nhất là để tụi mình không cảm thấy cô đơn khi xếp hàng đi mua cà phê sáng hay khi ăn trưa một mình. thứ hai là để có một vài người bạn thân thiết trong chỗ làm. thứ ba là để nghe được ý kiến đóng góp của người ta về những việc mình làm (hay đơn giản là nghe được thông tin gossip (về công việc chứ ko phải về đời tư nhé =))) hay là học hỏi được từ cách sống, cách làm việc của người ta. cách để tìm được coffee buddy và lunch buddy như thế nào thì có lẽ là ở cái duyên của từng người và cũng ở những người đồng nghiệp nữa 🙂 mình đã từng làm công việc mà mình không có coffee buddy hay lunch buddy 🙁 và điều đó rất là cô đơn
câu hỏi thứ 3: người bản địa có thích kết bạn với người mới như người Việt mình không?
thực ra câu hỏi này có thể chia làm hai phần về “kết bạn với người mới” và “kết bạn với người Việt”. hai câu trước mình trả lời hơi dài, nhưng câu này mình có thể trả lời ngắn được – đó là “người mới” hay “người Việt” không quan trọng 🙂 mình cứ tự tin là chính mình thôi. ví dụ như mình coi mình là “Lan” chứ mình không phải là “người mới hay người Việt” thì mọi thứ sẽ được dễ dàng hơn và không cần phải áp đặt mình vào một khuôn mẫu “tôi là người mới” hay là “tôi là người Việt” để phải lo lắng nữa 🙂
thực sự thì người bản địa cũng có người nọ người kia, mỗi người một vẻ, một tính cách (cũng như người Việt mình cũng có người nọ người kia) – vì vậy việc họ có kết bạn với mình hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những yếu tố về phía mình, có những yếu tố là về phía họ 🙂 nhìn chung mỗi quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp ở Canada ít thân thiết như ở Việt Nam, khi ra khỏi văn phòng thì ai về nhà nấy (cái này có liên quan tới khái niệm “work-life balance” – “cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân” mà mình sẽ viết kĩ hơn khi nào có dịp viết về văn hoá làm việc ở Canada). vậy nên khái niệm “kết bạn” với đồng nghiệp cũng khá là khó nói, vì tuỳ thuộc vào việc mình tự định nghĩa “thế nào là kết bạn với đồng nghiệp ở Canada?” mà mình sẽ hài lòng hoặc thất vọng với mức độ thân thiết giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp ở Canada 🙂
Theo mình, cứ là chính mình, làm việc chăm chỉ, hoà đồng và tôn trọng đồng nghiệp thì sớm hay muộn mình sẽ “kết bạn” được với người bản xứ (ở mức độ nào thì tuỳ vào mình và đồng nghiệp) 🙂
hôm nay mình viết tạm vậy thôi, hi vọng là đã giúp giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn đọc. chúc bạn nào đã đọc tới những dòng cuối cùng này một khởi đầu thật suôn sẻ với một công việc mới ở một đất nước mới nhé <3
hẹn gặp lại 🙂