||lảm nhảm|| 8.5.2019 – ngày đầu tiên thất nghiệp

vậy là đã tròn 4 tháng… chính xác là từ thứ 2, ngày 7 tháng 1 năm 2019 tới thứ 3, ngày 7 tháng 5 năm 2019…

4 tháng vừa rồi mình không hề lên blog, không hề viết bất cứ dòng nào, cũng không hề đọc một cuốn sách mới… thật ra là mình chả làm gì cả, ngoài việc đi làm…

4 tháng vừa qua mình như ở trong một “địa ngục tâm trí”. và hôm nay, ngày 8 tháng 5 năm 2019, là ngày đầu tiên mà mình cảm thấy tâm trí của mình được tự do — hôm nay, là ngày đầu tiên của sự thất nghiệp ! Long story short (tóm tắt chuyện dài): mình vừa nghỉ việc ngày hôm qua.

mình bắt đầu đi làm công việc mà mình vừa bỏ, tạm gọi là “công việc X”, từ đầu năm nay. Khi đó mình mới cưới được 2 tuần — mình bỏ công việc cũ với chính phủ, chuyển tới một thành phố mới để sống gần chồng, và chuyển ra làm ở một công ty tư nhân. Trước khi nhận mình vào làm (như mình đã giải thích ở trong một blog post cũ, thì mình tìm kiếm 1 năm mới được công việc X: ||lảm nhảm|| 9.11.2018 một tuần trước khi xin nghỉ việc) thì người sếp đã bảo trước là làm công việc này 40 tiếng/tuần nhưng có lúc sẽ phải làm 45-50 tiếng/tuần, và rằng cái bằng thạc sĩ của mình là không liên quan, và tiền lương thì ít hơn so với công việc cũ, rồi hỏi mình có làm được không. Mình gật đầu và nói “tui làm được!”

mình mua quần áo đẹp để mặc đi làm (công việc cũ với chính phủ, mọi người đều mặc business casual/tức là mặc lịch sự nhưng không trịnh trọng). công việc mới, ai cũng mặc suit/com lê đẹp đẽ. thế là mình cũng phải mặc đẹp đi làm, áo blouse sơ vin gọn gàng, khoác thêm áo blazer, đeo túi xách đen, cảm giác như một nữ doanh nhân thành đạt. và mình chả hiểu tại sao một công việc trả lương không cao nhưng lại yêu cầu nhân viên phải đầu tư ăn mặc như kiểu họ kiếm được 6-figure (lương 6 số, tức là trên 100 ngàn đô la).

mình đi làm, những người đàn ông trong công ty khi mở miệng ra nói chuyện với mình, họ không chỉ nhìn vào mắt mình, ánh mắt họ đảo qua nhìn chỗ khác vài lần trước khi họ quay lại nhìn vào mắt mình – họ nhìn xuống cơ thể mình từ phía dưới cái đầu trở xuống – và họ khiến mình cảm thấy rất không thoải mái.

mình đi làm, mấy gã trẻ trẻ trong công ty đứng ở bàn làm việc nói chuyện với nhau về mấy cô gái trẻ da trắng trong công ty như thể mình không hề ngồi làm việc ở gần đó, và lần duy nhất mình nghe họ nói về mấy nhân viên người châu Á là “those Asians, they just shut their mouths when we’re around, like they don’t know how to talk to white people” (mấy đứa châu Á đó, tụi nó thấy bọn mình là cứng họng, như thể tụi nó không biết nói chuyện với Tây trắng như thế nào).

mình đi làm, mình đang ở trong office bàn công việc với một trong những người sếp, thì một người đàn ông khác trong team sẽ bước vào office và nói chuyện với người mình đang nói chuyện, và xem như mình không hề có mặt ở trong office lúc đó (họ không bao giờ nói câu “sorry to interrupt” – “xin lỗi đã chen ngang vào”, như những người lịch sự khác nói khi chen ngang vào cuộc nói chuyện của người khác).

mình đi làm, mình không hề có “sếp” – tất cả mọi người đều là sếp của mình. mô hình của công ty của mình là tất cả mọi người đều có thể trực tiếp sai bạn làm việc cho họ, không cần biết là bạn đang bận làm việc cho một người khác, không cần biết là trong ngày đó bạn có bao nhiêu việc cần làm cho xong – một khi bạn được giao việc, bạn phải làm cho xong. trước đây, khi làm cho chính phủ, mình có một người là “direct supervisor”, tạm gọi là “sếp”, là người trực tiếp giao việc cho mình, ai giao việc cho mình cũng phải thông qua người đó, vì người sếp đó sẽ nắm rõ được là mình đang phải làm bao nhiêu việc, nếu mình làm không nổi, thì họ sẽ giao lại cho một người khác hoặc sắp xếp với mình để làm cho xong. với mô hình “bóc lột sức lao động” của công ty X, mình có 6 người “sếp” khác nhau, chẳng ai biết những người còn lại giao việc gì cho mình, họ chỉ quan tâm là mình làm xong việc của họ.

mình đi làm, vừa tới chỗ làm là ngồi xuống bàn làm việc, vì xung quanh ai cũng như vậy. buổi trưa, mình đang ăn, còn chưa nuốt thức ăn uống khỏi cổ họng, đã có “sếp” tới nói chuyện và giao việc cho mình như thể họ không hề nhìn thấy miệng mình còn nhai chưa xong thức ăn. mình đang dùng máy tính, các sếp luôn lượn vòng vòng và nhìn từ sau lưng mình xem mình đang làm gì trên máy tính, xem mình có đang ngồi chơi không. ngày đầu tiên mình đi làm, một ông “sếp nhỏ” bày cho mình bí kíp để thành công trong công việc này “buổi sáng nhớ tới thật sớm, dù 8h mới bắt đầu làm nhưng hãy đi làm từ 7 rưỡi, sếp lớn rất thích những người chăm chỉ đi làm vào sáng sớm”. thế là mình nghe theo, đi làm từ 7 rưỡi. công việc là từ 8h sáng tới 5h chiều với 1 tiếng nghỉ trưa từ 12h tới 1h chiều, nhưng mình đi làm từ 7 rưỡi. tới 12h30 mới dám đi ăn trưa, vì 12h15 sếp nhỏ sẽ ra đứng ở bàn làm việc của mình giao thêm việc cho làm. ăn trưa xong chưa tới 1h chiều thì sếp lại gọi vào giao việc. buổi chiều tới 4 rưỡi lẽ ra mình được về thì sếp lại ra giao thêm việc gì đó. mình ngồi trước màn hình máy tính nhiều tới nỗi cứ tới buổi chiều là mắt mình đau. và đi làm về thì mình chỉ muốn nhắm mắt lại ngủ… sau một thời gian, mình đã nhận ra cái bẫy là mình không về sớm được, vậy nên mình không đi làm lúc 7 rưỡi sáng nữa…

mình đi làm, công ty có hệ thống quản lý giờ làm, mỗi ngày làm bao nhiêu tiếng thì nhân viên phải ghi vào. theo luật lao động, nếu làm trên 40 tiếng, dưới 44 tiếng, thì thời gian làm thêm sẽ được trả thêm tiền theo kiểu 1 giờ làm thêm = 1 giờ lương. nếu làm trên 44 tiếng thì thời gian làm thêm sẽ được trả thêm tiền kiểu 1 giờ làm thêm = 1.5 giờ lương. sếp mình dặn là: làm thêm bao nhiêu thì đừng có ghi vào, công ty sẽ nhìn vào team mình là làm nhiều mà lợi nhuận lại ít – chỉ được ghi 40 tiếng 1 tuần thôi, nếu có làm thêm trên 40 tiếng thì ghi riêng ra vào sổ tay, lâu lâu sếp sẽ cho nghỉ một vài tiếng buổi chiều để bù lại cái thời gian làm thêm kia. Ngày nghỉ lễ đầu tiên từ khi mình bắt đầu đi làm là Family Day vào tháng 2, ai cũng được nghỉ – còn sếp thì bắt đi làm, nhưng không được trả 1 giờ làm = 1.5 giờ lương, mà phải chờ tới tháng 7 sếp sẽ cho nghỉ làm… 1 ngày để ở nhà (1 đổi 1).

mình đi làm, có lần một ông sếp lớn đứng ngay sau lưng mình khiến mình thót tim… ổng cúi xuống nhìn sát vào màn hình máy tính của mình và hỏi “what are you looking at?” (mày đang coi cái gì trên máy tính vậy?)… mình chưa bao giờ cảm thấy “personal space”/”không gian cá nhân” của mình được tôn trọng ở công ty X (ngày mình báo với team là mình nghỉ việc, ông sếp lớn tới bàn làm việc của mình, hai tay ổng vươn ra nắm lấy một bàn tay của mình, rồi ổng nói “blessing”/”Chúa phù hộ cho mày” ?!?) ở nước ngoài, “personal space” rất quan trọng, không ai đụng vào người bất cứ ai, kể cả khi chen chúc xếp hàng người ta cũng chừa cho nhau một khoảng trống. nhất là ở chỗ làm việc, “personal space” lại càng được đề lên hàng vô cùng quan trọng – không có chuyện sếp đụng vào một sợi tóc của nhân viên, chứ đừng nói tới là nắm tay nhân viên. Mình thấy vô cùng không thoải mái và sợ…

mình đi làm, chẳng ai training/đào tạo cho mình bất cứ một điều gì để có thể phát triển. mình toàn làm việc vặt. mình làm từ data entry (nhập dữ liệu), cho tới copy và paste một đoạn văn từ văn bản này sang văn bản khác, cho tới đi in vài tờ giấy cho các sếp. hồi mình làm công việc cũ, mình làm data analysis (phân tích dữ liệu) và chưa hề phải đi in bất cứ một tờ giấy nào cho sếp cả. mình cũng buồn vì những kĩ năng mình có không áp dụng được cho công việc hiện tại. nhưng mình chấp nhận, vì khi nhận công việc này, mình đã xác định là cái bằng thạc sĩ và kinh nghiệm làm việc của mình sẽ bị vứt vào sọt rác. nhưng mỗi lần mình bị sai đi in cả trăm trang giấy và ngồi đục lỗ, đóng chúng thành những cuốn tập nhỏ cho sếp, mỗi lần mình bị sai liên tục trong nhiều ngay liên tiếp đi sửa header và footer cho mấy văn bản trong Word, hay là đi copy và paste một đoạn văn, một cái bảng số liệu, từ văn bản này sang văn bản khác… thì mình thấy rất mệt mỏi. mình không hiểu những việc mình đang làm giúp cho mình học được kĩ năng gì…

mình đi làm, vì không ai là sếp của mình, cũng chẳng ai thật sự là sếp của ai, trừ hai ông sếp lớn, nên mỗi khi có một công việc cần “team work”/”làm việc nhóm” thì không ai biết ai làm gì, ai là người leader, ai là người chịu trách nhiệm. mỗi công việc được giao đều trải qua nhiều lần “he said-she said” (ông nói gà bà nói vịt, tui nghe ông này nói thế này cơ mà, tao tưởng mày nói thế này cơ mà, tao đâu có nói thế…) – một mớ hỗn loạn mà mình không biết mình phải làm gì, báo cáo cho ai, nếu có vấn đề cần hỏi thì đi hỏi ai. có một lần rất buồn cười, tất cả các sếp đều gửi văn bản họ viết tới cho mình vì mình có nhiệm vụ gom các văn bản này lại thành một văn bản. tất cả các sếp đều bảo mình tự quyết định sắp xếp như thế nào, lấy phần nào, bỏ phần nào, sửa phần nào… ô thế hoá ra mình lại thành sếp của sếp – thế là mình đi sửa bài cho các sếp, sắp xếp lại bài cho các sếp… xong rồi ai là người kiểm tra lại công việc cho mình? không ai cả! thế là mình lại phải đi gặp một sếp khác hỏi xem tao nên làm thế nào với mấy sếp kia. sếp này bảo là, công việc của mày không phải là quyết định giữ phần nào, bỏ phần nào, nếu thế thì mày là sếp rồi, mày cứ bỏ hết tất cả vào một văn bản rồi để tao làm…

2 tuần sau khi bắt đầu đi làm, mình đã không chịu nổi sự hỗn loạn và “unprofessional” (không chuyên nghiệp) trong cách làm việc và phân chia công việc ở công ty X. mình cũng không cầm lòng được mỗi lần bị sai đi làm một tỷ tỷ công việc vặt mà lẽ ra thì thư kí của sếp phải làm. mình khóc nhiều lần, mỗi khi nghĩ tới chỗ làm. mình khóc vì mình thấy mình đã quyết định sai lầm khi rời bỏ chỗ làm cũ qua một nơi hỗn loạn như công ty X. mình khóc vì cảm giác rất không thoải mái với những người đàn ông trong team. mình nằm mơ thấy mình quay lại chỗ làm cũ, xin sếp cho mình quay lại làm… chồng mình thấy mình khóc thì thương lắm – hai vợ chồng mới cưới mà cả tháng vợ cứ về nhà là lại khóc… nhưng chồng cũng động viên mình ráng làm thêm xem có thay đổi gì không, nếu tệ quá thì nghỉ ở nhà chồng nuôi.

thế là mình ngưng khóc sau một tháng đầu… mình cố gắng làm việc chăm chỉ. “người ta làm được thì mình làm được”, “tại mình làm cho chính phủ quen rồi nên ra tư nhân làm chịu không nổi, phải cố gắng hơn” – đó là những điều mình tự nhủ bản thân trong suốt 4 tháng vừa qua. 4 tháng trời mình không có thời gian hẹn bác sĩ đi kiểm tra sức khoẻ, không có thời gian đọc một cuốn sách hay viết một bài blog – những việc mà mình thích làm. có lần 3 tuần liền mình không gọi điện về VN cho gia đình – vì cứ tới cuối tuần là mình mệt, không muốn làm gì cả. mình hay cáu gắt với chồng. mình văng tục chửi bậy như những người trên chỗ làm (một người ngồi cạnh mình thì một ngày nói ko biết bao nhiêu lần câu “son of a bitch”, một người khác thì nói “oh shit”, còn các sếp thì văng “f**k” bay tứ tung khắp văn phòng)…

mình nhận ra là dù cố gắng như thế nào, mình cũng không hề hạnh phúc. mình cũng không hề thấy vui vẻ.

mình nhận ra là, không phải là “người ta làm được thì mình làm được” – mà đơn giản là mình muốn làm một công việc mà mình thấy hạnh phúc, vui vẻ.

mình từng mơ mộng, có một công việc ở công ty tư nhân, ăn mặc đẹp đi làm, tiếp xúc khách hàng và nói chuyện như những người hướng ngoại, trèo lên “corporate ladder”/”nấc thang sự nghiệp” để làm sếp nọ sếp kia. mình từng ghét công việc ở chính phủ của mình – chậm chạp, ít sự thay đổi. mình từng không hiểu tại sao những đồng nghiệp của mình ở chính phủ lại gắn bó với công việc của họ như vậy, khi mà công việc của họ chẳng có gì phát triển, làm đi làm lại vài chính sách, vài bài phân tích…

sau khi đi làm ở công ty X, mình mới nhận ra, cuộc sống của mình không cần cố gắng làm sếp nọ sếp kia, không cần lao đầu bán tuổi trẻ làm một công việc ở một chỗ mà mình không hợp, không thích. công việc cũng chỉ là một phần trong cuộc sống, giúp cho mình có tiền và có điều kiện để làm những việc mà mình muốn trong cuộc sống của chính mình. khi mà công việc làm ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và làm giảm chất lượng cuộc sống của mình, thì mình nên chấm dứt.

ngày sinh nhật 26 tuổi của mình, mình đi phỏng vấn xin việc mới. mình lại quay lại làm cho chính phủ – làm nghiên cứu chính sách công một lần nữa, ở một thành phố mới, một chính phủ mới. một tuần trước, mình nhận được tin báo đã trúng tuyển. mình ngay lập tức xin nghỉ việc và hôm qua là ngày cuối cùng mình đi làm. tới bây giờ mình vẫn chưa nhận được hợp đồng cho công việc mới, nhưng mình đã sắp xếp cho bản thân nghỉ ngơi một thời gian. mình muốn lấy lại năng lượng sau bốn tháng vừa rồi. mình muốn đọc sách trở lại, viết trở lại, kết nối lại với những người quan trọng trong cuộc đời mình.

mình chưa bao giờ thấy nhẹ nhõm và tự do hơn lúc này.

 

7 Replies to “||lảm nhảm|| 8.5.2019 – ngày đầu tiên thất nghiệp”

  1. hê lô chị! Follow blog c đã lâu nay mới thấy chị có update bài mới.
    và cũng thật tình cờ là em cũng rất quyết tâm kiếm việc ở mảng public sector vì em cảm thấy em không phù hợp với văn hóa corporate.
    Tks c nhiều vì bài viết này ! em chúc c có 1 thời gian nghĩ dưỡng thật tốt và có nhiều năng lượng trở lại công việc nhe.

    1. hê lô em! 🙂 chị mới vừa đi làm trở lại, và thấy mình được quay về với chính mình, lại tràn trề năng lượng em ah 😀 thực ra công ty corporate của chị là một công ty tệ thôi, chứ chị vẫn tin tưởng là có nhiều công ty corporate tốt khác, nuôi dưỡng, đào tạo và phát triển cùng với nhân viên. bài học của chị học được là không phải cái gì người ta làm được thì chị cũng làm được (và ngược lại). và khi may mắn có được sự lựa chọn thì nhất định chị sẽ chọn nơi đem lại hạnh phúc cho mình, chứ không phải nơi mà chị thấy người khác hạnh phúc và cứ tưởng mình cũng sẽ hạnh phúc 🙂
      chúc em may mắn với công việc ở mảng public sector!

  2. hê lô chị! Follow blog c đã lâu nay mới thấy chị có update bài mới.
    và cũng thật tình cờ là em cũng rất quyết tâm kiếm việc ở mảng public sector vì em cảm thấy em không phù hợp với văn hóa corporate.
    Tks c nhiều vì bài viết này ! em chúc c có 1 thời gian nghĩ dưỡng thật tốt và có nhiều năng lượng trở lại công việc nhe.

    1. hê lô em! 🙂 chị mới vừa đi làm trở lại, và thấy mình được quay về với chính mình, lại tràn trề năng lượng em ah 😀 thực ra công ty corporate của chị là một công ty tệ thôi, chứ chị vẫn tin tưởng là có nhiều công ty corporate tốt khác, nuôi dưỡng, đào tạo và phát triển cùng với nhân viên. bài học của chị học được là không phải cái gì người ta làm được thì chị cũng làm được (và ngược lại). và khi may mắn có được sự lựa chọn thì nhất định chị sẽ chọn nơi đem lại hạnh phúc cho mình, chứ không phải nơi mà chị thấy người khác hạnh phúc và cứ tưởng mình cũng sẽ hạnh phúc 🙂
      chúc em may mắn với công việc ở mảng public sector!

  3. hiu thương chị :(( em thấy đồng cảm quá, em cũng mới bỏ một chỗ ai cũng là sếp mình, nhưng may là em làm có hơn 1 tuần đã tỉnh ra và k cố nữa :)) cảm ơn chị đã chia sẻ nhé, em nhận ra thêm được nhiều điều đấy ạ.

    1. cảm ơn em đã ghé thăm blog của chị nhé 🙂 chị cũng như em thôi, một người trẻ ít kinh nghiệm làm việc nên đi làm chỗ nọ chỗ kia cũng dễ gặp phải những chuyện như thế này. chị hi vọng em đã tìm được một chỗ làm mới tốt hơn và vui hơn nhé 🙂

  4. ơ sao chị chúc chuẩn thời điểm thế =)) đúng là em vừa tìm được một chỗ mới khá ưng ý luôn. cảm ơn chị đã trả lời em nhé, em thích chị một phần tại vì em cũng thích không viết hoa giống chị đấy =))

Leave a Comment