||đọc|| Kokoro (Nỗi lòng) – Natsume Soseki

Sau những cuốn sách của Haruki Murakami và cuốn Toto-chan thì có lẽ Kokoro (tựa tiếng Việt là Nỗi lòng) là cuốn sách đầu tiên của một nhà văn khác người Nhật mà mình được tiếp cận. Mình nhìn thấy một người quen đọc sách của Natsume Soseki trên goodreads nên bắt chước mua sách của ông về đọc thử xem sao, chứ không hề biết trước giọng văn hay thể loại mà ông viết là gì. Vậy nên mình đã vô cùng bất ngờ khi đọc Kokoro…

220px-kokoro01

Kokoro là câu chuyện kể về lý do dẫn tới cái chết của nhân vật chính trong truyện – một người mà anh chàng kể chuyện kính trọng gọi là “sensei” (tiền bối/thầy). Truyện lấy bối cảnh là nước Nhật những thập kỉ đầu của thế kỉ hai mươi, khi mà cái mới và cái cũ của thời Nhật Hoàng xen lẫn với nhau trong cuộc sống và giá trị đạo đức của con người. Anh chàng kể chuyện tình cờ gặp được sensei – một người đàn ông ít nói, sống kín đáo và nội tâm – và dần kết thân với sensei. Qua nhiều lần gặp gỡ, anh nhận ra sensei dường như không hề có niềm tin vào loài người, coi loài người đáng sợ tới nỗi sensei gần như không giao tiếp với ai ngoài xã hội, không đi làm việc mà chỉ quanh quẩn trong nhà, và sensei luôn có một nỗi niềm tâm sự nào đó giấu sâu trong lòng không thể chia sẻ cùng ai, kể cả với vợ ông.

“You seem to be under the impression that there is a special breed of bad humans. There is no such thing as a stereotype bad man in this world. Under normal conditions, everybody is more or less good, or, at least, ordinary. But tempt them, and they may suddenly change. That is what is so frightening about men.”

Kokoro là cánh cửa mở ra giúp người đọc nhìn thấu được nội tâm của nhân vật sensei, để hiểu được tại sao ông lại sống một cuộc đời “sống mà như chết” như thế, và tại sao tới cuối cùng ông lại chọn cách kết liễu cuộc đời của mình.

Kokoro không phải là một câu chuyện vui hay một câu chuyện mang tính tích cực – truyện giống như một lời tự thú, một bản án cuộc đời mà sensei muốn gửi tới thế giới loài người ngoài kia. Phần cuối của truyên về lời tự sự của sensei là phần mang sức nặng lớn nhất của toàn bộ tác phẩm và cho mình thấy được tài năng của Natsume Soseki khi diễn tả nội tâm của con người – rất chậm, rất thật.

Nhìn chung, mình không quá thích Kokoro (có một phần tại mình đọc bản tiếng Anh). Mình nhận ra rằng mình cố gắng đọc cho hết cuốn sách là vì muốn biết về câu chuyện của sensei chứ không phải muốn biết về câu chuyện của anh chàng kể chuyện. Vì vậy nên mình thấy cuốn sách này khá là dài dòng… dài lê thê luôn! nhất là ở phần giữa của cuốn sách. Cuốn sách cũng không đem tới cho mình một thông điệp tích cực nào vì toàn bộ truyện đều rất u tối và ảm đạm, và nhân vật chính đã tự sát chứ không tìm được cách giải thoát nào tích cực hơn cho cuộc đời của mình. Cuốn sách giữ được cảm hứng đọc của mình chủ yếu là vì ngay từ những trang sách đầu tiên tác giả đã nói rằng sensei sẽ tự sát ở một thời điểm nào đó trong những trang sách tiếp theo, nên mình tiếp tục đọc để xem mọi chuyện sẽ ra sao (nghệ thuật viết văn là đây, cho biết kết thúc câu chuyện mà người đọc vẫn phải đọc tiếp hehe). Và cũng vì vậy sự yêu thích của mình với cuốn sách này chủ yếu nằm ở phần cuối 🙂

 

Kokoro khá ám ảnh và nặng nề, vì vậy nên đọc xong Kokoro ngay lập tức mình phải chuyển sang đọc non-fiction để cải tạo tâm lý cho tươi vui lên 😀 đây là một cuốn sách lạ và có lẽ cũng hơi kén người đọc nên mình cũng sẽ không nói là bạn có nên đọc nó hay không nha 😛 kết thúc ở đây thôi 😉

Leave a Comment