||đọc|| 1984 – George Orwell

Thế là mục tiêu tập đọc của mình đã được đặt ra tròn một năm 🙂 trong những ngày cuối của năm tập đọc, thì mình được hân hạnh đọc truyện 1984 của tác giả George Orwell… một cuốn sách rất ám ảnh mà 2 tuần sau khi đọc xong sách rồi mình mới có thể lên blog viết lại vài dòng cảm nhận được…

georgeorwellxobeygiantprintset-1984coverbyshepardfairey

1984 lấy bối cảnh ở một đất nước giả tưởng tên là Oceania. Trên đất nước Oceania, mọi thứ đều được kiểm soát bởi “Đảng” (the Party) thông qua việc theo dõi sát sao nhất cử nhất động của những người dân thường qua “telescreen” (giống như CCTV vậy đó) – mọi người đi đâu, làm gì, nói gì, và …. nghĩ gì cũng đều không qua khỏi sự quan sát của “Thought Police” (cảnh sát suy nghĩ). Những người bị “Thought Police” phát hiện ra là có những suy nghĩ trái với những gì Đảng (the Party) muốn họ nghĩ, hay có những hành động chống đối Đảng đều bị “Thought Police” bắt, sau đó thanh trừng và xoá sổ. Đứng đầu Đảng là Big Brother – người được xem là đã dẫn dắt cuộc cách mạng đưa Đảng lên cầm quyền, cũng như đã và đang lãnh đạo đất nước Oceania. Người dân Oceania chẳng giàu có gì: đồ ăn ngon như sô cô la được phân phát cho dân theo khẩu phần từng hộ gia đình, nhưng khẩu phần thường bị giảm xuống; cái thứ phổ biến nhất có lẽ là rượu vodka dở ẹc được nhà nước phân phát dư thừa. Người dân được Đảng tuyên truyền những thông tin một chiều do chính Đảng soạn viết ra (và cũng do chính Đảng sửa chữa lại cho đúng nếu thông tin cũ sai lệch với ý đồ mới của Đảng).

“Until they became conscious they will never rebel, and until after they have rebelled they cannot become conscious.”

Winston Smith là công chức làm việc tại “the Truth Ministry” (Bộ Sự thật). Công việc của Winston là sửa lại những tin tức, những văn bản, những tài liệu viết về sự kiện hay con người trong quá khứ theo ý Đảng nếu như Đảng muốn thay-đổi-quá-khứ. Ví dụ như khi Đảng vừa thanh trừng một người xong thì Winston sẽ phải đi tìm tất cả những tài liệu có liên quan tới người đó và sửa những tài liệu đó để người bị thanh trừng không còn tồn tại trong bất cứ một văn bản nào nữa – nói cách khác, là làm cho không một ai có thể chứng minh người kia đã từng tồn tại.

Cả đời Winston không mảy may suy nghĩ hay hoài nghi về những tư tưởng Đảng tuyên truyền cho dân chúng, cũng không hoài nghi về công việc mà anh ta làm… cho tới khi Winston mua lén được một cuốn sổ tay lậu và bắt đầu lén lút viết những trang nhật kí về những gì đã và đang xảy ra xung quanh cuộc sống của anh ta… thì Winston bắt đầu nảy sinh những hoài nghi, những câu hỏi về cấu trúc, cách hoạt động và nguồn gốc của quyền lực của Đảng (the Party) là ở đâu ra…

“Who controls the past controls the future. Who controls the present controls the past.”

Có những điều Winston thấy rất mâu thuẫn trên đất nước Oceania mà anh ta dần dần đặt câu hỏi “tại sao lại như vậy?”, như câu khẩu hiệu của Đảng:

“War is peace.
Freedom is slavery.
Ignorance is strength.”

Những điều mâu thuẫn nhưng lại cùng tồn tại với nhau – chính là linh hồn của chủ nghĩa “doublethink” mà Đảng đặt ra – một sự vật/sự việc có thể là cái này, và cũng có thể là cái kia, cùng một lúc, và hai cái có thể trái ngược nhau. Ví dụ như Đảng (the Party) luôn nói rằng Oceania đang có chiến tranh với Eastasia và tuyên truyền người dân căm ghét Eastasia, còn Eurasia thì được coi là đồng minh của Oceania – nhưng sau đó Đảng lại nói rằng Oceania đang có chiến tranh với Eurasia chứ không phải Eastasia… Rất mâu thuẫn, nhưng theo chủ nghĩa “doublethink” mà Đảng đã in sâu vào đầu người dân và dần tẩy não họ, thì mâu thuẫn không quan trọng, những sự vật, sự việc mâu thuẫn với nhau đều có thể được chấp nhận như là một sự việc… Vì vậy mà Oceania có chiến tranh với Eastasia hay là chiến tranh với Eurasia thì không có gì trái với sự thật cả, cả hai đều là sự thật 😀

“The Ministry of Peace concerns itself with war, the Ministry of Truth with lies, the Ministry of Love with torture and the Ministry of Plenty with starvation. These contradictions are not accidental, nor do they result from from ordinary hypocrisy: they are deliberate exercises in doublethink.”

Cùng với những hoài nghi về những giáo điều và quyền lực thay đổi sự thật cũng như khả năng tẩy não dân chúng của Đảng (the Party), Winston cùng với người yêu của mình là Julia đã dần dần tự vén lên bức màn che giấu sức mạnh tột cùng của Đảng… cũng như phải trả giá cho những câu hỏi, những hoài nghi của họ…

“Under the spreading chestnut tree
I sold you and you sold me”

Mặc dù thuộc thể loại văn học giả tưởng (fiction) nhưng với mình, 1984 rất thật, và khá là giống truyện “kinh dị có thật” 😀 Đặc biệt là cái kết… (mình đọc lại đoạn kết 2 lần mà vẫn thấy shock và sợ)…

Mình thấy 1984 không phải là một cuốn sách dễ đọc nếu như bạn không thích đọc nặng về những vấn đề chính trị hoặc tư tưởng… nhưng cũng không phải là quá khó đọc bởi vì George Orwell viết về truyện giả tưởng mà như viết truyện có thật vậy đó 🙂 rất cuốn hút, và kiểu “sự thật trần trụi”… Cuốn sách giống như lời nhắc nhở người đọc là thế giới giả tưởng trong truyện có thể trở thành sự thật, ở một mức độ nhiều hay ít mà thôi, nơi mà chúng ta có thể bị kiểm soát chính những suy nghĩ, những tư tưởng của mình…

“If both the past and the external world exist only in the mind, and if the mind itself is controllable – what then?”

Mình viết ngắn gọn vậy thôi… đây là một cuốn sách mà chỉ có đọc, và đọc tới dòng cuối cùng, mới thấm thía và thấy đáng sợ (cũng như thấy đáng trân trọng thế giới tự do mà một số người trong chúng ta đang được sống trong đó) 🙂 (vâng, và có những điều đáng sợ trong sách rất là giống với một đất nước “ABC” có thật nha) Đọc xong 1984, có thể trong tương lai gần, mình sẽ đọc thêm vài tác phẩm nữa của George Orwell… nói thật, là mình nghĩ mình phải dành thời gian “hồi phục” sau khi đọc 1984 cái đã rồi mới dám đọc tiếp 😀

Hẹn gặp lại!

Leave a Comment