||drink|| [chuyện tửu lượng #3] Frozen Margarita và tình trạng “không hấp thụ cồn” (alcohol intolerance)
hôm qua mình đi chơi nhà bạn. các bạn quẩy rất ngầu nên mang đủ các loại bia rượu bày ra. mình còn phải về nhà xem thi đấu tứ kết NHL, và tự biết lượng sức là mình không hợp với kiểu tiệc tùng uống bia rượu xuyên màn đêm, nên đã cáo lui sau 1 tiếng đồng hồ.
trước khi cáo lui thì mình cũng đã lỡ uống hết nửa ly frozen margarita… hic hic…
frozen margarita về cơ bản giống với margarita (base chính đều là rượu tequila, nước chanh ép, syrup ngọt, và được trình bày trên ly với viền muối dính đều quanh miệng ly). Frozen margarita chỉ khác với margarita ở chỗ là thay vì được uống cùng với đá trong ly thì frozen margarita được xay trong máy xay cùng với đá 🙂 tạo ra một hỗn hợp cocktail rất mùa hè, và rất mát với đá đã được xay nhuyễn.
Mình thấy margarita uống khá ngon và dễ uống. Lúc đầu mới uống mình thấy vị ngọt và lạnh mát nhiều hơn là vị cồn. mình uống chậm nên lúc ly bớt lạnh cũng là lúc vị cồn lên càng lúc càng rõ 🙂 vị chanh trong ly cocktail cũng rất là thanh mát. riêng viền muối ở miệng ly thì, mặc dù biết đó là đặc điểm nổi bật của margarita, nhưng mình không thích lắm vì mình thích đồ ngọt hơn 😀 uống vài ngụm có muối thì cũng tạm, nhưng uống nguyên một ly có muối thì…thôi 🙂
lượng cocktail mà mình uống chỉ bằng cỡ 1 phẩy 5 cái ly shot glass. nhưng uống hết chừng đó thôi cũng đủ làm cho mình thấy nóng mặt và nóng người =))) trình độ vẫn gà như ngày nào 😀
nhưng cũng sau dịp này mà mình đã ngồi tìm hiểu xem triệu chứng “không uống được nhiều cồn” của mình là biểu hiện của bệnh lý gì… có phải là gan yếu hay gì không 🙂
trong tiếng Anh có hai cụm từ để chỉ tình trạng của một người không uống được rượu: “alcohol allergy” (dị ứng với đồ uống có cồn) và “alcohol intolerance” (không hấp thụ cồn). (Mình không biết dịch từ “intolerance” ra tiếng Việt là gì, mình tra google tiếng Việt thì tất cả những nơi nói về việc không uống được rượu đều chỉ sử dụng cụm từ “dị ứng với đồ uống có cồn” – mà từ “dị ứng” theo mình nghĩ là hợp với chứng “alcohol allergy” hơn. Vậy nên mình tra thử xem trong tiếng Việt “gluten intolerance” là gì thì thấy cụm từ này được gọi là “không hấp thụ gluten”… vậy nên mình tự nghĩ ra cụm từ “không hấp thụ cồn” để chỉ tình trạng “alcohol intolerance”) 😀
Nhìn chung, “alcohol allergy” là tình trạng dị ứng với một thành phần nào đó trong đồ uống có cồn – ví dụ như có người bị dị ứng với lúa mạch thì sẽ không uống được bia chẳng hạn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu đồ uống có cồn mà không chứa thành phần mà người ta bị dị ứng (ví dụ như rượu nếp không chứa lúa mạch như bia) thì người bị dị ứng vẫn sẽ uống được đồ uống có cồn khác, miễn là không có thứ khiến cho họ bị dị ứng ở trong đó 🙂
Còn “alcohol intolerance” là tình trạng mà cơ thể không tiêu thụ được chất cồn có trong đồ uống có cồn, bao gồm tất cả các thể loại bia, rượu, cocktail… Biểu hiện của việc một người có tình trạng “alcohol intolerance” là:
- Mặt đỏ hồng khi uống đồ có cồn
- Da nóng, đỏ, có khi nổi lên nốt mẩn ngứa / mề đay sau khi uống
- Tim đập nhanh
- Nghẹt mũi
- Đau đầu
- Chóng mặt, mắc ói/buồn nôn, ói/nôn
- Đau tức ngực
Và người có gốc châu Á là những người có dòng gen rất dễ bị “alcohol intolerance” 🙂
Nhìn chung, tình trạng “alcohol allergy”/”dị ứng với đồ uống có cồn” là một tình trạng rất hiếm gặp, còn tình trạng “alcohol intolerance”/”không hấp thụ được cồn” là một tình trạng khá phổ biến.
Mình đã thử tìm kiếm bằng tiếng Việt thì thấy các nguồn tin đều gọi tình trạng của những người uống bia rượu bị đỏ mặt/đau đầu/tim đập nhanh… là “dị ứng bia rượu” và lý giải lý do của tình trạng này là do dị ứng với thành phần rượu hoặc gan yếu hoặc mạch máu mẫn cảm. Mình không chuyên về y học, nhưng mình thấy việc sử dụng cụm từ “dị ứng bia rượu” và lấy các lý do nêu trên để giải thích cho nó là một sự đánh đồng/mập mờ/không rõ ràng giữa hai tình trạng bệnh lý khác nhau.
Dù gì đi nữa, thì với dòng máu châu Á và khả năng là nằm trong nhóm “alcohol intolerance”/”không hấp thụ được cồn” khá cao, thì mình thấy mình cũng nên điều chỉnh sự tò mò về bia rượu của mình lại 😛
Cách duy nhất để xử lý tình trạng “không hấp thụ được cồn” là Không Uống Đồ Uống Có Cồn 🙂 dễ dàng và đơn giản vậy thôi 🙂
mình không đồng ý với quan điểm là không uống được bia rượu thì tập từ từ để uống được nhiều hơn. theo mình thì, không uống được thì nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình không uống được, và tốt nhất là đừng nên uống 😛 (hoặc uống có hạn chế). Bạn bè tử tế là những người hiểu và tôn trọng quyết định cá nhân của mình là có muốn uống hay không, hehee 😀
thế chị uống được nhiều coffee không?
không em ạ 🙂 chị uống cà phê dở lắm (đầu óc quay quay xoay xoay sau khi uống) nên hầu như không bao giờ uống. cà phê ở Việt Nam chị uống được chút xíu (cỡ nửa ly bạc xỉu). tuy không uống được cà phê, chị lại uống được trà như bình thường 😀