|đọc| mùa hè bất tận (Lâm Hoàng Trúc)
phải rất lâu lắm rồi mình mới đọc lại truyện tranh (và cả sách in trên giấy nữa!), nên mình thấy thật may mắn khi được cầm trên tay một cuốn sách xinh xắn, nét vẽ thân thương (kiểu manga nhưng với cảnh vật và con người Việt Nam mình) và có nội dung khá cuốn hút như “mùa hè bất tận”. mình chưa đọc sách của tác giả Lâm Hoàng Trúc bao giờ, cũng chỉ biết tới truyện tranh Việt qua bộ Thần Đồng Đất Việt đọc từ những năm cấp 2 – nên mình đến với “mùa hè bất tận” với tâm thế thoải mái kiểu “open-minded” (một cái đầu mở), không biết trước sách sẽ viết về điều gì và cũng không có “expectation” (kỳ vọng) gì 😀
mình muốn ghi lại vài điều khiến mình thích ở cuốn sách này:
đầu tiên, mình thấy lối vẽ sách khá thân thuộc, gần gũi và đương-thời 🙂 có lẽ một phần cũng ở chủ đề về tuổi học trò của cuốn sách này, khiến cho sự “thân thuộc” và “đương thời” in đậm trong tâm trí mình, tức là những cảnh vật và con người được vẽ như của ngày hôm nay chứ không phải của những năm 80, 90, hay năm 2000 – mặc dù mỗi người đọc ở các lứa tuổi khác nhau sẽ có những liên tưởng tới thời học sinh của họ ở các thời điểm khác nhau nhưng vẫn tạo được mối liên hệ và thấu hiểu với câu chuyện đang xảy ra ở thời điểm mà tác giả không cần nói rõ là năm nào 😀 trong vài trang sách đầu, mình hơi hơi có cảm giác đang đọc truyện manga Nhật qua nét vẽ, nhưng cảm giác ấy dần dần bị nhoà đi khi mình đi cùng mạch truyện, thấy những hình ảnh rất Việt Nam, những lời bài hát Việt Nam, những cuộc hội thoại đậm chất Việt Nam… cho tới khi khép cuốn sách lại thì mình chỉ thấy là “tui mới đọc xong một cuốn truyện tranh Việt Nam” chứ không phải “tui mới đọc xong manga Việt” 🙂
một điều nữa mà mình thích ở cuốn sách này là ở cách viết “to-the-point” (vào thẳng vấn đề), không đi lòng vòng 🙂 mình thích lối văn mạch lạc và những cuộc hội thoại để đạt được mục đích phát triển mạch truyện và phát triển nhân vật chứ không phải chỉ để làm sách dài thêm nhiều trang mà không có mục đích rõ ràng. một ví dụ về việc vào thẳng vấn đề mà mình rất thích ở cuốn sách này là như trong trang truyện ở dưới chẳng hạn (spoilers alert).
điểm cuối mà mình thích ở cuốn sách này là ở việc lựa chọn chủ đề truyện: dù đây là một cuốn sách viết về tuổi học trò (dễ gây được cảm tình với độc giả và tạo ra được cảm xúc về những hoài niệm đẹp của tuổi học trò), nhưng nội dung của cuốn sách khá mới mẻ, không nằm trong những lối mòn xưa như kiểu tình yêu tuổi học trò. “mùa hè bất tận” nói về cách cô bé học sinh tên Phương đối điện với cuộc đời bên ngoài những trang sách vở, bên ngoài mái trường – đối diện với những ngã rẽ, những lựa chọn, và cách cô bé đưa ra lựa chọn của mình. mình thích một cuốn sách xây dựng được nhân vật có “suy nghĩ”, có quyết định, và có hoàn cảnh và cơ hội để phát triển, thay đổi và tạo dựng quyết định của chính mình. cuốn sách cũng có nhiều đoạn hội thoại khá sâu lắng, khiến mình suy nghĩ nhiều và thấy suy nghĩ của tác giả (thể hiện qua nhân vật) khá là thú vị, ví dụ như đoạn hội thoại dưới đây:
một vài hạt sạn hơi nhỏ cũng như hơi to trong cuốn sách mà mình chưa thích:
hạt sạn nho nhỏ: có một số cảnh sách vẽ hơi khó hiểu chuyện gì đang xảy ra (kiểu mình nhìn lại tranh minh hoạ 2-3 lần vẫn chưa rõ lắm) hoặc mình không thấy rõ là ai đang nói câu nào 😀
hạt sạn to to (spoilers alert): cách cuốn sách giải quyết nút thắt trong mối quan hệ giữa cô bé Phương và mẹ 🙂 mình chưa nói tới việc người mẹ này đã bạo lực gia đình với các con, cũng như áp đặt niềm mong mỏi của chính mình lên các con và lấy đi hạnh phúc tuổi học trò của con nhé… mình thấy có một vòng luẩn quẩn mà câu chuyện của gia đình bé Phương mắc phải: ba bé Phương áp đặt bắt mẹ bé Phương ở nhà nội trợ, nên mẹ bé Phương đã chọn ly hôn để giải thoát chính mình – nhưng mẹ bé Phương lại áp đặt bắt bé Phương phải học giỏi, phải vào trường chuyên (chị bé Phương cũng bị tương tự và đã chọn bỏ đi để giải thoát mình). khi bé Phương cũng đứng trước những lựa chọn (như mẹ và chị mình) – và lựa chọn này được đưa ra khi nhân vật Phương đã trải qua hết các sự kiện trong cuốn sách – thì bé Phương lại có một chút “áp đặt” với bạn nam Phương như cách cái vòng luẩn quẩn áp đặt vẫn chưa thoát ra được trong gia đình bé. mặc dù sự “áp đặt” với Hà Phương (nam) có lý do để tạo động lực cho cậu bé tiếp tục đối mặt với cuộc đời (như bé Phương đã nói rằng bé nghĩ nếu người ta có ai đó san sẻ nỗi khổ thì người tự tử sẽ không phải chết nữa) – nhưng mình đã mong rằng tự Hà Phương sẽ thấy được điều này chứ không cần thêm 1 cái vòng luẩn quẩn nữa khi mà Hà Phương sống để đáp lại sự trông đợi của Phương.
mình đãi ra được ít sạn vậy thôi, chứ nếu có dịp được đọc thêm sách của Lâm Hoàng Trúc, mình chắc chắn vẫn sẽ ủng hộ vì mình thích góc nhìn, lối suy nghĩ, và cách dẫn dắt câu chuyện của tác giả này 🙂 cũng lâu rồi mới có một cuốn sách làm mình nhớ thời học sinh tới vậy, nên mình viết “vài” dòng vậy thôi 😉