||đọc|| những ngã tư và những cột đèn (Trần Dần)
Sau khi đặt mục tiêu là năm 2018 sẽ đọc nhiều sách non-fiction hơn, thì mình mở đầu năm mới bằng việc đọc sách fiction =)) khởi đầu với tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của tác giả Trần Dần.
Dựa vào tên cuốn sách, thì trước khi đọc sách mình nghĩ là đây là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn về Hà Nội cũ với những câu văn mềm mại như là thơ. Nhưng kì thực, Những ngã tư và những cột đèn lại là một cuốn tiểu thuyết xen lẫn hồi kí về những năm tháng chiến tranh, rất thực (thực trần trụi), với những yếu tố trinh thám ly kì, hồi hộp. Và văn của Trần Dần đúng là mềm mại như là thơ, thật!
Bây giờ tôi ngồi. Cùng với rạng đông. Trong một vườn hoa.
Những ngã tư và những cột đèn xoay quanh câu chuyện về nhân vật nam tên Dưỡng, được kể lại qua những dòng nhật kí của anh, và qua lời những nhân chứng như chị Cốm vợ anh, chị Hòa, và các anh cảnh sát. Dưỡng là một tên tàu bò ngổ ngáo, đi lính cho ngụy và cũng từ đó học được đủ các thói ăn chơi (rượu chè, gái gú chẳng hạn). Dưỡng có vợ là Cốm, dưỡng yêu vợ nhưng cũng mê cả cô gái điếm Lily. Những người bạn của Dưỡng cũng toàn là lính ngụy như anh, có thằng Tình Bốp em trai Lily, thằng Đoành, thằng Chắt, thằng Ngỡi. Khi quân cộng sản về tiếp quản lại thành phố Hà Nội, Dưỡng và những người bạn theo ngụy phải chạy trốn vì sợ phải chịu tội phản cách mạng dưới thời cộng sản. Dưỡng đang trên đường đi trốn rồi, nhưng rốt cuộc lại quyết định quay lại… hi vọng được cộng sản tha thứ để làm lại từ đầu… Đây cũng chính là sự bắt đầu cho những bí ẩn, những mối nguy hiểm xảy tới với Dưỡng. Anh bị một kẻ bí ẩn hại, khiến dân phố và công an nghi ngờ là anh đang làm gián điệp cho ngụy. Lại thêm cái tật ngổ ngáo, mê gái điếm, mê ảnh con lợn… làm anh càng bị khu phố nhòm ngó hơn. Anh còn bị một kẻ bí ẩn có cái cằm nhọn (tức “thằng nhọn cằm”) theo dõi. Anh bị những người bạn của mình đem ra đấu tố với cộng sản, rằng anh mưu đồ phản cách mạng. Câu chuyện trở nên li kì khi Dưỡng và các anh công an phải đấu trí với những tên gián điệp để phanh phui mạng lưới của chúng trên địa bàn Hà Nội, và tính mạng của Dưỡng thì luôn bị đe dọa bởi một thế lực bí ẩn.
Cốt truyện thì hay như vậy rồi, nhưng cái hay nhất của tác phẩm này lại nằm ở cách miêu tả tâm lý nhân vật tài tình của Trần Dần qua những dòng nhật kí của Dưỡng. Tâm lý nhân vật được miêu tả qua cột mốc của từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút. Dưỡng luôn phải đấu tranh nội tâm, tâm lý với của chính anh (một bên với bản chất của một tên lính ngụy, một bên là một gã tử tế, thật thà) và phải đấu trí với kẻ thù không rõ mặt nấp trong bóng tối. Dưỡng tự nhận thấy con người anh có thể được tách ra làm cái sọ (lý trí), cái bóng trong gương hoặc cái bóng dưới mặt đất (phản chiếu hành động, biểu hiện bên ngoài của anh) và chính cơ thể thật của anh. Càng về sau tác phẩm, Dưỡng càng quan sát cái bóng của anh nhiều hơn và đối thoại tay đôi với cái sọ của anh nhiều hơn. Người đọc sẽ bị cuốn theo tâm lý nhân vật, quay cuồng, láo nháo và lả tả với sự quay cuồng, láo nháo và lả tả trong chính nội tâm của Dưỡng.
Một cuốn sách rất thật, thật đến trần trụi. Và cũng rất lạ, rất độc đáo. Mình nghĩ sẽ không có ai viết được một tác phẩm giống như Những ngã tư và những cột đèn nữa, bởi vì nếu không sống trong giai đoạn ấy – những ngày chuyển giao giữa chiến tranh, chuyển giao chế độ chính trị, chuyển giao giữa xấu và tốt, giữa giả và thật… thì khó lòng nào viết nên được những dòng văn tâm lý tới như vậy.
Mình thấy đây là một tác phẩm rất đáng đọc. Đọc khoảng vài chục trang là sẽ quen ngay với giọng văn và cách đặt dấu phẩy khắp câu chữ của Trần Dần 😀
Mình xin kết thúc bằng một số đoạn mà mình thích trong tác phẩm này:
Tôi về. Ra đến phố, tôi đứng lại, vì tự dưng, tôi chảy nước mắt. Phố vắng mênh mông và iên tĩnh lắm: nơi đây thời gian đã một lần đi qua. Tôi dắt xe dọc theo phố, tôi lấy tay chùi mắt. Tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi khóc một mình.
1 giờ sáng. Vào một đêm rét của 3 đêm dính liền, gió thổi lào xào cả phố, tôi nhìn bóng, trong gương. Mắt bóng buồn tệ. Như mắt con chó vện, nuôi trong nhà. Con chó vện vừa ăn cứt trẻ cho sạch sàn nhà, vừa đuổi trộm trông nhà cho chủ, vừa lo sợ đến ngày bị chủ ăn thịt, mà không biết là ngày nào. Mắt bóng tôi trong đêm là như thế động đậy, đục ngầu, đa nghi, không mê được. Tôi và sọ chỉ còn mỗi cách thông cảm. Sọ tôi bình tĩnh, sọ bảo tôi dẫu tù, vẫn tu được, tu cho qua tù cho hết tù, chưa đi tù thì tu cho qua nghi ngờ, cho hết nghi ngờ. Tôi nghĩ, sọ nói được thế, là vì sọ nhắc lại lời ông Trung trố, trong một lần họp khu phố. Ông Trung trố nói, vào đúng giữa mùa thu, là ai ai cũng cần cải tạo, cán bộ kháng chiến cũng cần cải tạo, cán bộ lãnh đạo cũng cần cải tạo. Huống hồ cái thằng tôi tề ngụy. Tôi đồng í. Nhưng vào cái lúc gió máy thế này, phố xá lao xao lạo xạo thế này, tôi cũng thông cảm, với cái bóng buồn trong gương. Mắt bóng lúc này buồn tệ, buồn tệ nhưng không đường nào khác, là đường tu. Tôi không còn cách nào khác, ngoài chờ đợi. Tôi chờ quyển lịch thay tờ lịch. Trời đất bây giờ đã sang, một mùa khác. Á, Âu, Phi, Mĩ, Úc, đâu đâu cũng sang, một mùa khác. Quyển lịch cũng sang mùa. Quê hương, làng mạc, mồ mả, phố xá quen thuộc, mẹ tôi, em Cốm, trai gái đi phố, phong cảnh, mọi thứ đều sang mùa. Tôi chờ lần sang mùa sau nữa, sau nữa. Hà Nội đổi mùa cho mùa, mà vẫn như vừa kích thước của nhau, vừa kích thước của tôi. Tôi đi đâu khỏi Hà Nội, đều không làm sao vừa được, với kích thước lạ, nơi rộng, nơi hẹp. Phố xá lạ, nam nữ lạ, phong tục lạ, không sao vừa khít với tôi được. Tôi ở lại Hà Nội, để chờ anh Thái đem lệnh mới xuống cho tôi, tôi vẫn ở lại trong kích thước của tôi, thì không lí do gì tôi phải lo lắng triền miên như vậy.
1 giờ iên tĩnh. Buổi đêm đang ăn dần sang 2 giờ sáng iên tĩnh. Có lẽ nên bắt tay vào việc. Tôi tắt điện, dùng đèn pin. Đầu tiên, tôi xếp chăn gối phồng lên trên giường, như có người đang nằm. Tôi khiêng bàn ra, để dưới lỗ hổng trần nhà, kê thêm một chiếc ghế, trên mặt bàn. Tôi lấy một cuộn dây thừng to, rồi trèo lên bàn, rồi lên ghế, rồi chui vào cái lổ hổng trần nhà. Tôi soi đèn, trần nhà ẩm mốc, đầy bụi lẫn mạng nhện. Tôi buộc dây thừng, lên xà nhà, buộc thật chắc. Dây thừng dài, thả xuống qua lỗ hổng, xuống tận đất. Tôi tụt xuống theo dây thừng. Bài học này tôi đã thực hành, đến thuộc lòng, từ hồi còn đi ngụy. Nhưng tôi lại nghĩ đến Tacdăng, trong xinê. Tôi xếp bàn ghế, ngay ngắn vào chỗ cũ. Rồi leo dây thừng lên trần nhà, cùng với con dao phay bạch binh. Ngồi trên trần nhà tôi thở. Dao phay và đèn pin, xếp gọn một bên. Xong xuôi, kéo dây thừng lên. Tôi bắt đầu rình.
…
Tôi nghĩ, khi người ta không nhìn thấy gì, thế nào cũng nói chỉ nhìn thấy, một màu đen. Thực tế đêm nay, tôi có thừa thời gian, để quan sát chăm chú, cái không nhìn thấy ấy. Tôi thấy không hoàn toàn, như người ta nói. Cái không nhìn thấy, không phải là màu đen, mà là một khoảng trống vô nghĩa. Khi người ta không nhìn thấy gì, là người ta nhìn thấy, cái vô nghĩa. Đêm nay vì vậy, tôi ngồi bó gối, trong cái vô nghĩa, ngay sát dưới mái nhà.
Trong mịt mù khói trắng. Chân tôi đi đâu tôi theo đấy. Chỗ nào cũng khói. Chân đưa tôi lên Giám. Trên Giám có ngã tư Giám. Ngã tư Giám rét. Ngã tư láo nháo khói. Ngã tư láo nháo bóng tối với tường cổ. Ngã tư láo nháo gió và lá. Chân đưa tôi sang ngả bên phải. Bên phải đầy những ngã tư và những cột đèn. Tôi tới Cửa Nam. Cửa Nam có ngã tư Cửa Nam. Ngã tư ngày xưa bây giờ thành ngã sáu. Ngã sáu rét. Chân đưa tôi đến Bờ Hồ. Bờ Hồ có bến xe điện đêm. Có tháp Rùa rét nhập nhòa trong khói trắng. Bờ Hồ không phải ngã tư. Bờ Hồ là cái vòng tròn quay tròn không bao giờ kết thúc. Tôi đi bộ vòng tròn. Thế nào lại thoát được vòng tròn. Nhưng tôi lại gặp ngay một ngã tư. Là ngã tư Hàng Khay. Tôi lại gặp những cột đèn. Nhưng không nhìn chúng. Tôi cứ đi đi. Té ra tôi gặp phố Nhà Thờ. Phố Nhà Thờ có nhà thờ. Nhà thờ láo nháo gió và láo nháo bóng tối. Nhà thờ nhập nhòa trong khói trắng. Tôi vào phố Hàng Bông. Phố vắng. Không vui không buồn tôi không nghĩ gì. Tôi cứ đi đi. Trong lúc đi như thế này Cốm đang nằm bệnh viện. Cái thai đang chết: cái thai đang chết. Cái thai là con tôi. Là con của Cốm. Tôi chưa được thấy mặt nó: để biết nó giống tôi hay giống Cốm. Khổ thân con tôi. Khổ thân Cốm đang nằm nhợt nhạt. Trên bàn mổ nhợt nhạt, Cốm nằm im. Để tôi chọn hoặc mẹ hoặc con. Đời tôi kì lạ đầy tai nạn. Đời mọi người bình thường không biết có nhiều ngã tư. Tối nay tôi đến một ngã tư. Tôi kí tên để con tôi chết. Tối nay tôi đi bộ qua nhiều ngã tư. Nội thành nhiều ngã tư. Đời tôi cũng vậy. Nội thành láo nháo sao mà lắm gió. Sao mà nhiều lá. Sao mà nhiều khói. Tối nay tôi đã chọn sai đường ngã tư. Nếu rẽ ngả khác: tôi đã không nhậu nhẹt với thằng Ngỡi. Nếu chọn ngả khác: tôi đã về nhà trước Cốm. Tôi đã tóm được một trong những thằng thủ phạm. Tôi đã có thể tối nay đi đàng này đàng kia. Đi đàng kia thì ra thế nọ. Mà đi đàng nọ lại ra thế này. Quả là gay go cho những bước chân trên ngã tư.