||đọc|| When Breath Becomes Air (Paul Kalanithi)
Mình vừa đọc xong cuốn “When Breath Becomes Air” – và đã khóc khi đọc những trang cuối cùng của cuốn sách khi vợ của tác giả viết về cái chết của anh 🙁
When Breath Becomes Air là cuốn hồi kí được viết bởi Paul Kalanithi – một bác sĩ phẫu thuật não và cũng là một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối. Paul viết cuốn sách này trong những tháng cuối cùng của cuộc đời anh – khi mà anh đang đối mặt trực tiếp với cái chết.
Ngay từ khi còn trẻ, Paul đã luôn tự hỏi bản thân mình về ý nghĩa của sự sống và cái chết cũng như ý nghĩa của sự tồn tại của một con người. Paul chọn trở thành một bác sĩ nội trú chuyên về phẫu thuật não cũng là để tới gần hơn với những hoàn cảnh, những con người đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết – và để được cùng với bệnh nhân đối diện với thần chết – có những lần người bác sĩ có thể chiến thắng được cái chết và cứu được bệnh nhân, nhưng cũng có những lần họ không thể. Trở thành một bác sĩ đã khiến Paul đối diện với cái chết một cách bình thản – phòng hộ sinh nơi anh đi thực tập và quan sát thấy là nơi có những em bé cất tiếng khóc chào đời bên niềm vui và hạnh phúc của những người cha người mẹ, nhưng cũng là nơi có những em bé sinh non chết yểu trong chưa đầy một ngày, phòng phẫu thuật là nơi có những bệnh nhân được xuất viện hai ngày sau khi mổ khối u trong não thành công, nhưng cũng là nơi có những người bị tai nạn giao thông vỡ sọ và nát não mà anh không thể cứu chữa được.
Sự sống và cái chết là những điều quá đỗi quen thuộc mà những người bác sĩ đối diện hằng ngày. Paul biết rồi một ngày nào đó trong tương lai anh cũng sẽ chết… Nhưng anh chưa bao giờ có thể nghĩ tới việc anh sẽ phải đối diện với cái chết của chính mình trong khi anh còn rất trẻ – khi anh còn có cả một tương lai rộng mở trải ra trước mặt… Cuốn sách là câu chuyện của Paul khi anh đang từ một bác sĩ trở thành một bệnh nhân, khi đang đối diện với cái chết của những người khác trở thành đối diện với cái chết của chính mình…
“I began to realize that coming in such close contact with my own mortality had changed both nothing and everything. Before my cancer was diagnosed, I knew that someday I would die, but I didn’t know when. After the diagnosis, I knew that someday I would die, but I didn’t know when. But now I knew it acutely. The problem wasn’t really a scientific one. The fact of death is unsettling. Yet there is no other way to live.”
Cuốn sách đem tới cho mình một cảm giác rất thật, như là mình đang đi cùng Paul ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời, sự nghiệp, cũng như thời gian ngã bệnh của Paul.
Nửa đầu của cuốn sách kể về thời trẻ của Paul và những sự kiện trong cuộc đời đã đưa anh tới quyết định trở thành bác sĩ phẫu thuật não – ngành chuyên môn khó nhất và danh giá nhất trong y khoa. Mình thấy nửa đầu này của cuốn sách vô cùng cuốn hút. Đây là lần đầu tiên mình được “tiếp cận” với những gì xảy ra trong bệnh viện một cách rõ ràng và sinh động như vậy – qua những lời kể của Paul về việc tập mổ xác người chết hiến tặng để học về cơ thể người, việc đỡ đẻ, việc khâu vết mổ, việc phẫu thuật não (khoan sọ, rút máu, cắt khối u, mổ não khi bệnh nhân còn tỉnh táo v.v) Mình thật sự thấy nghề y (nhất là những chuyên ngành phải đương đầu với bệnh nhân ở những tình huống nguy cấp) là một nghề đòi hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn, kĩ năng thực hành, kinh nghiệm phán đoán tình huống và đưa ra quyết định nhanh chóng, và phải có khả năng làm việc với cường độ cao và thời gian dài. Một bác sĩ nội trú có thể phải ở bệnh viện tới 16 tiếng một ngày, và có những khi phải tiến hành những ca mổ dài rất rất nhiều tiếng đồng hồ. Mình vô cùng khâm phục các y bác sĩ sau khi đọc những trang sách Paul viết về trải nghiệm của anh suốt quãng thời gian làm bác sĩ nội trú.
Có những chi tiết rất thú vị về những phần khác nhau trong bộ não của chúng ta mà mình đã học được từ những lần phẫu thuật của Paul 🙂 có những khu của bộ não ảnh hưởng tới cảm xúc, sự ham muốn, khả năng kiểm soát cơ vận động, và những khu ảnh hưởng tới khả năng làm một con người thực thụ như khu ngôn ngữ và giao tiếp… cảm giác như đang được đi học lại lớp psychology vậy 😀 Một chi tiết khác mình cũng rất thích, đó là cách Paul kể vể việc anh nói chuyện với bệnh nhân như thế nào để bệnh nhân được tiếp nhận thông tin một cách nhẹ nhàng khi anh phải đưa thông tin rằng bệnh nhân của anh đang bị một căn bệnh về não nguy hiểm tới tính mạng 🙂 Một bác sĩ giỏi không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn cần giỏi về cách cư xử và duy trì mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân thật tốt nữa 🙂
Nửa sau của cuốn sách kể về những ngày Paul từ một bác sĩ trở thành một bệnh nhân – những ngày anh đi tìm một định nghĩa về sự sống và cái chết, và định hình lại ý nghĩa của sự tồn tại của anh trên cõi đời này.
“Grand illnesses are supposed to be life-clarifying. Instead, I knew I was going to die—but I’d known that before. My state of knowledge was the same, but my ability to make lunch plans had been shot to hell. The way forward would seem obvious, if only I knew how many months or years I had left. Tell me three months, I’d spend time with family. Tell me one year, I’d write a book. Give me ten years, I’d get back to treating diseases. The truth that you live one day at a time didn’t help: What was I supposed to do with that day?”
Mình đọc 2/3 của cuốn sách, thấy nó “intense”/”dữ dội” quá nên phải nghỉ giữa chừng một xíu rồi mới dám quay lại đọc tiếp 🙂 Mình thấy lòng cũng nhẹ đi, vì Paul đã dần tìm được điều gì thật sự có ý nghĩ trong cuộc đời của anh – và anh đã có thể ra đi trong thanh thản và hạnh phúc…
When Breath Becomes Air là một cuốn sách rất thật, rất “ám ảnh”, và cũng rất đáng để đọc. Cuốn sách như một lời vỗ vai nhắc nhở người đọc, rằng một ngày nào đó chúng cũng sẽ chết đi – quan trọng là chúng ra đi ở tâm thế như thế nào, và chúng sẽ sống cuộc đời này như thế nào trong những ngày chúng còn chưa phải cận kề với cái chết. Cuốn sách cũng khiến mình chút ít gì đó muốn trở thành oncologist trong tương lai 😛 Một cuốn sách đẹp về một cuộc đời đẹp <3
Do chưa có bản tiếng Việt nên cách duy nhất để tiếp cận sách tới thời điểm hiện tại (tháng 2 năm 2017) là tìm đọc bản tiếng Anh. Sách khá ngắn nên mình thấy dễ đọc – tuy nhiên, beware, là trong sách có rất nhiều từ ngữ chuyên môn về y khoa 🙂 đọc sách xong mình học thêm được một số từ mới và hiểu thêm được nhiều về ngành y và công việc của các bác sĩ trong bệnh viện. Ngoài ra, một phần không nhỏ của sách có nhắc tới những nhà thơ, và những ý tưởng về triết học cũng như tôn giáo nên mình nghĩ cũng nên đọc thêm về những điều này nếu muốn hiểu rõ hơn về ý tác giả muốn nói.
bạn có cho mình mượn được không mình ở hà nội.
Bạn ơi tiếc quá, mình ko có ở Hà Nội ạ (mình hiện ở nước ngoài nên cũng ko có điều kiện gửi sách về VN). Bạn thử lên tiki, mình thấy cũng có bán bản tiếng Anh đó bạn. Nếu bạn ở Hà Nội thì chắc trên phố Đinh Lễ có thể có bán nữa đó 🙂