||đọc|| The Best We Could Do: An Illustrated Memoir (Thi Bui)

The Best We Could Do là cuốn hồi kí bằng tranh vẽ của tác giả người Mỹ gốc Việt Thi Bui. Mình biết đến cuốn sách này qua lời giới thiệu của Bill Gates trên blog của ông và tìm đọc nó bởi chủ đề về chiến tranh Việt Nam xuyên suốt cuốn sách.

But both books helped me better understand how Vietnam’s history shaped its people. When you grow up in the United States, it’s hard to escape the Good Morning, Vietnam view of the war—to understand how the war was awful for reasons that go beyond the draft, the protests, and even the soldiers who died on the battlefield. It was a completely horrific situation for the people who lived there, many of whom weren’t combatants on either side. In different ways, The Best We Could Do and The Sympathizer are cautionary tales about the collateral damage of war.

by Bill Gates via gatesnotes.com

Thi Bui sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cô cùng bố mẹ và các chị em vượt biên khỏi Việt Nam năm 1978 sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Gia đình cô sống ở trại tị nạn trong một thời gian ngắn trước khi được chính phủ Mỹ chấp nhận tị nạn và đón qua Mỹ định cư.

Tuổi thơ của Thi Bui bị ảnh hưởng sâu sắc về mặt tâm lý bởi bố mẹ (đặc biệt là từ người bố). Khoảng thời gian lớn lên trên đất Mỹ của cô là khoảng thời gian cái bóng đen của người bố bao trùm lên thế giới nhỏ của cô, gieo rắc những sự sợ hãi, sự e dè, sự im lặng, sự đau khổ không nói thành lời vào tâm hồn cô. Thi Bui lớn lên trên đất Mỹ không có mấy niềm vui hay tiếng cười, chỉ có mong ước được sớm rời khỏi bố mẹ, và chưa bao giờ hiểu được điều gì đã khiến bố mẹ cô trở thành những con người với tâm hồn vỡ vụn như ngày hôm nay.

end-of-year-books_2017_the-best-we-could-do_inline_800px_v1

The Best We Could Do là hành trình Thi Bui tìm về nguồn cội, tìm về với quá khứ của cha mẹ mình, để hiểu được những nhân tố chính trị, lịch sử nào đã tác động lên cuộc đời của cha mẹ cô. Hành trình này giúp Thi Bui nhận ra cuộc đời của thế hệ cha mẹ cô là sản phẩm của lịch sử chiến tranh. Và những tác động từ chiến tranh ấy không chỉ dừng lại ở thế hệ cha mẹ cô, mà còn kéo dài dai dẳng tới thế hệ tiếp theo – là thế hệ của cô.

best-we-could-do-2

Nhìn chung, đây là một cuốn hồi kí rất đẹp, rất thực. Cuốn sách không chỉ làm lay động độc giả quốc tế, mà còn làm lay động tới cả những độc giả người Việt như mình. Có những điều về cuộc chiến tranh Việt Nam mà sách vở trong trường lớp không hề nói tới (lịch sử được viết lại bởi những người thắng cuộc mà). Vậy nên, những thế hệ tiếp theo, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, như mình, thật khó để tiếp cận để thực sự hiểu được những gì đã xảy ra 40 năm về trước. Cuốn sách này là hồi kí về một câu chuyện rất cá nhân – nhưng cũng là đại diện cho hàng trăm ngàn câu chuyện cá nhân khác đã xảy ra sau năm 1975, cho nên nó đã vén bức màn quá khứ sáng rõ hơn cho một người đọc là thế hệ sau như mình.

Sách vẫn còn nhiều hạt sạn nhỏ, ví dụ như những lỗ hổng về tình tiết trong hồi ức của cha mẹ (kiểu như tác giả chưa kể hết những chuyện đã xảy ra), và câu chuyện tị nạn của gia đình tác giả có lẽ vẫn còn may mắn hơn hàng trăm ngàn người Việt khác ở thời điểm đó… nhưng vẫn là một tác phẩm đáng đọc – nhất là với vị trí người đọc là một người Việt trẻ 🙂

Sách viết bằng tiếng Anh (và mình ko nghĩ là có NXB nào ở Việt Nam lại dễ dàng xuất bản được cuốn sách này bằng tiếng Anh hay tiếng Việt đâu, ít nhất là trong tương lai gần, you know what I mean) nhưng vì sách viết dưới dạng truyện tranh nên rất là dễ đọc, dễ hiểu nếu bạn có thể mua được bản tiếng Anh về đọc. Bình thường sách tiếng Anh mình đọc vài tuần mới xong một cuốn, nhưng cuốn này mình đọc vài ngày là xong. Nếu bạn có thời gian thì còn có thể đọc xong trong vòng một ngày nếu muốn 🙂

Thôi mình viết tới đây thôi, hẹn gặp lại các bạn ở một cuốn sách mới 🙂

 

Leave a Comment