|Canada| bí kíp làm bài thi IELTS General 8 chấm để tăng điểm định cư Canada diện Express Entry
Con đường định cư Canada theo hệ thống tính điểm Express Entry đang mở rộng hơn bao giờ hết, đối với cả những người đã ở sẵn trong Canada, lẫn những người nộp hồ sơ từ Việt Nam và các nước khác. Nếu như năm ngoái, năm 2018, “điểm sàn” định cư theo diện Express Entry còn ở mức dễ thở ở tầm khoảng 430-440 điểm là đã được mời nộp hồ sơ định cư, thì năm nay, năm 2019, “điểm sàn” đã tăng lên qua ngưỡng 450, ngấp ghé 460 điểm, khiến cuộc đua “tích điểm” càng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn 🙂
một trong những hạng mục chấm điểm mà ứng viên có thể tăng được điểm, bên cạnh kinh nghiệm làm việc và bằng cấp, đó chính là điểm thi tiếng Anh trong kì thi IELTS general 😉 theo bảng xếp hạng ở hình phía dưới, thì khoảng cách điểm IELTS từ CLB 7 (tức là khoảng 6.0, tương đương với khoảng 16 điểm Express Entry), so với CLB 9 trở lên 9 (tức là khoảng 7.5 tới 8.0 trở lên, tương đương khoảng 24 điểm Express Entry) có thể giúp tăng điểm của ứng viên lên khoảng 8 điểm nữa, giúp rút ngắn khoảng cách với các ứng viên “xịn” hơn trong hệ thống tính điểm 😀
vậy nên hôm nay, mình xin phép chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân giúp các bạn đang có ý định thi IELTS general có thêm một chút hành trang trong con đường dài dài trước mặt qua định cư Canada nhé.
trước khi chia sẻ, mình xin nói trước một vài điều sau:
- mình không phải là giáo viên dạy tiếng Anh hay là làm gì liên quan tới IELTS cả, mình chỉ là một người rất bình thường 😀
- mình không phải là chuyên viên tư vấn du học, định cư hay là làm gì liên quan tới du học, định cư cả, mình chỉ là một người rất bình thường 😀
- các bí kíp thi IELTS general của mình sẽ không bao gồm các thông tin cơ bản về kì thi IELTS (ví dụ như kiểu: kì thi gồm 4 phần nghe, nói, đọc viết, mỗi phần gồm những gì, cách tính điểm như thế nào, vân vân, mây mây), vì các thông tin này mình nghĩ bạn đã tự tìm hiểu được rồi 🙂 mình viết bài này cho các bạn đã biết về kì thi IETLS general nhưng chưa từng luyện thi IELTS academic và đang tìm kiếm vài bí kíp giúp bạn tăng điểm lên chút xíu xíu xíu 🙂
bạn có thể sẽ đang thắc mắc là tại sao một người tự nhận là “mình chỉ là một người rất bình thường” như mình lại đi viết về bí kíp thi IELTS general điểm cao, có tin được không hay là mình lên đây chém gió? 😀 thì mình cũng xin nói luôn là mình bình thường thật nhưng mình có vài kinh nghiệm độc đáo liên quan tới kì thi IELTS như sau:
- cả đời mình thi IELTS được 2 lần: 1 lần thi IELTS academic ở British Council ở Việt Nam, và 1 lần thi IELTS general ở IDP ở Canada.
- cả 2 lần thi IELTS, mình đều không ôn luyện gì nhiều.
- lần thứ nhất, thi IELTS academic là để mình làm hồ sơ du học. mình thi ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3. nhà mình không có điều kiện học thầy cô hay trung tâm luyện thi gì cả mà mình chỉ tiếp xúc với tiếng Anh qua ca nhạc, phim ảnh và học trên trường cấp 3. mình chỉ nghiên cứu về kì thi IELTS 2 tuần trước khi thi và làm khoảng 2-3 bộ đề mẫu trước khi thi. kết quả: 6.5 – vừa đủ điểm! R 6.0 – L 6.5 – W 6.0 – S 6.5. khi đi thi mình gặp may là chính nên mới được 6.5, nếu có điều kiện ôn luyện tử tế thì mình chắc là đã có điểm cao hơn, khoảng 7.0 cho hồ sơ du học thêm đẹp 🙂
- lần thứ hai, thi IELTS general là để mình làm hồ sơ xin định cư Canada. lần này mình cũng không ôn luyện gì nhiều vì mình tự tin với trình độ tiếng Anh sau mấy năm du học của mình, mình làm 1 bộ đề mẫu trước khi đi thi để nhớ lại cấu trúc bài thi IELTS. kết quả: 8.5 – cũng khá giống như mình đã đoán từ trước, riêng có phần Writing điểm mình hơi thấp vì mình mắc 1 sai lầm phổ biến (mình sẽ viết về sai lầm này ở phần bí kíp) – R 9.0 – L 8.5 – W 7.5 – S 8.0. mình nghĩ là phần lớn các bạn du học sinh sau vài năm đi du học thì trình độ tiếng Anh thi IELTS general khá dễ dàng sẽ đạt được 7.0 tới 8.0.
- vậy bí kíp thi IELTS general đạt điểm cao của mình đến từ đâu cho một kẻ không ôn luyện gì như mình? các bí kíp này mình dã học được sau khi thi IELTS academic 😀 sau khi thi được 6.5 thì mình mới có điều kiện đi “học bổ sung” trong vài tháng trước khi qua Canada. mình học ở khoa ngoại ngữ trường đại học Hà Nội 🙂 mình còn nhớ là mình học 4-5 ngày một tuần, ngày nào cũng học. kiến thức dù không vào đầu mình được bao nhiêu và đã rơi rớt hết trong mấy năm qua, nhưng bí kíp thì đã vào đầu mình được kha khá và chưa rơi rụng hết 😀 và mình nhận ra là việc có kinh nghiệm luyện thi IELTS academic đã giúp cho mình rất nhiều cho kì thì IELTS general 🙂 một đứa bình thường như mình thi được điểm cao thì bạn cũng sẽ thi được điểm cao 😀
Sau đây là vài bí kíp của mình từ kì thi IELTS academic áp dụng sang kì thi IELTS general cho những bạn nào chưa từng luyện bài thi academic nhé – lưu ý là đây không phải là bí kíp học tiếng Anh đâu nha, chỉ là bí kíp khi đi thi thôi 😀
- Đầu tiên, kì thi IELTS là kì thi đánh giá năng lực tiếng Anh, vậy nên thường thì năng lực của bạn tới đâu thì điểm số phản ánh khá là đúng : vậy nên nếu bạn đăng kí thi vài lần liên tục ở các thời điểm san sát nhau, thì thường là điểm của bạn sẽ không tăng lên được đâu, điểm thường giữ nguyên hoặc chỉ tăng được 0.5 thôi là chững lại). tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, đã là kì thi thì mình càng ôn luyện và chuẩn bị kĩ càng tới đâu thì điểm số của mình sẽ phản ánh tốt nhất năng lực của mình so với việc thiếu chuẩn bị kĩ lưỡng. vậy nên các bạn đi học thêm với thầy cô, hay là làm nhiều bộ đề luyện thi không bao giờ là thừa 🙂 dù mình chẳng học hành gì nhiều, nhưng trước cả 2 lần mình thi, mình đều đảm bảo là mình đã luyện đề mẫu trước khi vào phòng thi 😀 việc luyện đề mẫu cho phần Reading và Listening sẽ không làm cho bạn “đọc giỏi hơn” hay “nghe giỏi hơn” trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn có ít thời gian để luyện thi, thì bạn nên “scan” qua các câu hỏi của 2 phần này để biết được: dạng câu hỏi người ta hay hỏi là gì (ví dụ: trắc nghiệm là chính, phần nghe thì thường có câu hỏi mà bạn phải theo sát một bản đồ/sơ đồ nào đó, vân vân)
- Khi bạn thi phần nghe, sẽ có thời gian “nghỉ giữa bài” khá ngắn để trả lời câu hỏi cho mỗi bài nghe nhỏ. Trong thời gian đó, bạn nên cố gắng nhìn sơ sơ trước các câu hỏi ở bài nghe tiếp theo, thậm chí gạch dưới một số từ “key words” trong câu hỏi để sẵn sàng tinh thần bắt các từ “key words” đó ở bài nghe tiếp theo.
- Các câu hỏi ở phần nghe thường xuất hiện theo thứ tự mà bạn sẽ nghe thấy nó ở trong bài – nhất là các bài “điền từ vào chỗ trống” – vậy nên với dạng câu hỏi này, bạn nên nghe tới đâu, trả lời câu hỏi tới đó, nghe được từ khoá nào quan trọng là phải viết xuống luôn trên tờ giấy thi. thường thì sau khi đoạn băng được phát xong, bạn sẽ không có trí nhớ để nhớ hết được tất cả những điều vừa nghe đâu, nên bạn trả lời được bao nhiêu và ghi xuống giấy thi được bao nhiều từ vựng là điều vô cùng quan trong. ngược lại, với những bài nghe miêu tả bản đồ/và sơ đồ, thì bạn viết ra trên bản đồ được bao nhiêu vị trí, bao nhiêu từ vựng sẽ tốt bấy nhiêu, thay vì tập trung vào các câu hỏi (ví dụ: phòng A, B, C hay D là phòng ngủ) thì bạn nên tập trung vào việc điền bản đồ càng nhiều càng tốt (ví dụ: bạn nghe được phòng D là phòng ngủ, tuyệt vời! nhưng có thể bạn chỉ nghe được là phòng phía sau phòng A và bên cạnh phòng B là phòng ngủ thôi, còn phòng C là phòng tắm – thì việc bạn viết xuống tên của 3 phòng kia để suy luận ra phòng D là phòng ngủ là rất quan trọng). việc viết ra bản đồ kết hợp với “scan key words” trước khi bài nghe được bật lên để xác định các từ mà mình cần chú ý trên bản đồ sẽ giúp bạn vượt qua bài nghe dễ dàng hơn 🙂
- phần thi đọc, dù mình được 9.0 nhưng rất tiếc là mình chả có bí kíp gì cả, vì việc đọc hiểu chỉ có thể được nâng cao từ việc… đọc thêm nhiều mà thôi, bạn càng đọc nhiều thì kĩ năng đọc của bạn càng được nâng cao 😀 ah, thực ra 1 kinh nghiệm nhỏ mà mình rút ra là bài đọc academic khó hơn nhiều so với bài đọc general hehe, vậy nên bạn đừng luyện phần đọc bên academic để đem sang bên general vì nó hơi “overkill” / tức là như “lấy búa đập ruồi” vậy đó 😀 bài đọc bên academic thường cần bạn luyện kĩ năng đọc lướt (skimming) và đọc dò (scanning) vì thông tin rất nhiều và nhiều từ vựng mang tính chuyên môn – còn bài đọc bên general thì khá dễ thở, dễ đọc, như là đọc một bài báo ngắn kiểu “thường thức” vậy đó.
- khi thi cả 2 phần Đọc và Nghe, bạn cứ từ từ ghi đáp án ra tờ đề thi trước, rồi khoảng 5-10 phút cuối mới chuyển đáp án từ tờ đề thi ra phiếu ghi đáp án nhé – vì như vậy bạn sẽ tiết kiệm được thời gian hơn thay vì phải nhảy từ tờ đề sang tờ đáp án trong lúc đang suy nghĩ làm bài.
- phần thi viết là phần mà bí kíp IELTS academic có tác dụng nhất khi được áp dụng qua IELTS general 😉 bài thi IELTS general cũng gồm 2 bài viết nhỏ: task 1 và task 2, và cũng diễn ra trong vòng 1 tiếng như bài academic. Theo kinh nghiệm của các “gà” thi academic thì phần viết phải được phân bố thời gian là 20 phút cho task 1 và 40 phút cho task 2. Bài task 2 dĩ nhiên là phần điểm cũng nhiều hơn bài task 1 nên bí kíp chính là viết task 2 trước task 1 (nghe thì dễ nhưng khi đi thi, chúng ta rất dễ rơi vào suy nghĩ là: mình sẽ viết task 1 trước và kiểu gì chả xong trong 20 phút – và đây chính là suy nghĩ khiến bạn bị mất điểm). Nhất định phải viết task 2 trước task 1 vì task 2 cần mở bài, thân bài, kết luận đầy đủ, và cần người viết đầu tư nhiều suy nghĩ hơn task 1. nếu bạn viết task 1 trước, bạn thường xong task 1 trong 30 phút và chỉ còn 30 phút để viết task 2 mà thôi. đây là một lỗi kinh điển, mà chính mình cũng mắc phải (dù trước khi đi thi mình đã xác định là viết task 2 trước task 1) nên mình bị viết task 2 quá vội – viết vội nên kết quả chỉ được có 7.5, khiến mình khá thất vọng vì mình nghĩ là khả năng viết của mình có thể được điểm cao hơn 🙁 chính việc viết task 2 trước task 1 sẽ cứu vớt được ít nhất 0.5 điểm trong bài writing của bạn.
- ah, nhân tiện nói tới task 1 thì task 1 của bài IELTS academic chẳng giúp ích gì mấy khi bạn chuyển sang làm task 1 của bài IELTS general đâu nhé 🙂 một bên thì là phân tích biểu đồ, phân tích định lượng, còn một bên là một bài viết thông thường về một chủ đề đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
- bạn nào là “gà” IELTS academic chắc là nghe bí kíp “paraphrase” trong phần Writing cũng nhiều rồi 🙂 và bí kíp này cũng nên được áp dụng cho kì thi IELTS general. “paraphrase” tức là “thay đổi, biến hoá từ ngữ và các cụm từ trong đề bài thành các từ đồng nghĩa” để thể hiện cho người chấm thi thấy khả năng sử dụng tiếng Anh đa dạng của thí sinh 😀 ví dụ như khi nhìn thấy “advantages/disadvantages” trong đề bài, là trong đầu lập tức phải nghĩ ra các từ đồng nghĩa để không phải sử dụng lặp lại “advantages/disadvantages” trong bài viết của mình. thế là “pros and cons” ra đời, “benefits and drawbacks” ra đời, “strengths and weaknesses” ra đời =)))
- Tương tự như với IELTS academic, thì phần Writing và Speaking của IELTS general cũng rất khuyến khích các bạn sử dụng các từ ngữ kết nối câu / “linking words”. trước đây, khi làm “gà” IELTS ở Việt Nam thì mình phải nhồi nhét vào đầu một mớ từ, để đem ra dùng thay phiên nhau như là: On (the) one hand + on the other hand, not only…but also, furthermore, in addition, what is more, firstly, namely, last but not least… thực ra, sau khi đi du học thì mình nhận ra là ít khi các bộ từ ngữ này được đem ra sử dụng lắm, trừ khi bạn làm ngành gì phải viết nhiều như kiểu research. nhưng đây là kì thi mà, lại phải ngậm ngùi chèn thêm các từ này vào bài thi thôi 😀 các bạn có thể tham khảo thêm các từ kiểu này tại đây: https://ielts-up.com/writing/ielts-linking-words.html
- Trong phần thi speaking, bạn nên luyện trước ở nhà cho bài nói 1-2 phút để đảm bảo bạn quen với thời gian 2 phút là bao lâu (vì trong phòng thi bạn sẽ không nhìn thấy đồng hồ bấm giờ 2 phút mà phải tự đoán thời gian và dừng lại đúng lúc), khi quen với thời gian này rồi thì hãy cố luyện để bạn nói xong ý trong vòng 1 phút rưỡi. khi giám khảo phát cho bạn một tờ giấy để chuẩn bị cho bài nói thì bạn hãy tận dụng thời gian 1 phút đó ghi ra nhiều từ vựng và lúc nói thì cố gắng sử dụng các từ vựng và các ý chính đã ghi ra này.
Bí kíp đi thi của mình chỉ có bao nhiêu đó thôi, và đều từ trường đại học Hà Nội yêu quý mà ra cả =)))) chúc các bạn thi đạt điểm cao và đạt thật nhiều điểm trong “bể bơi” Express Entry nhé 😀