||đọc|| đến Nhật Bản học về cuộc đời (Lê Nguyễn Nhật Linh)

Mục tiêu cô-gái-tập-đọc của mình trong tháng Sáu này đã không được thực hiện nghiêm chỉnh, vì tháng này mình bận đi kiếm nhà trọ và chuyển sang chỗ ở mới. Mình không có đủ thời gian đọc sách nên đã chuyển sang nghe sách audio trong những lúc dọn dẹp nhà… May mắn là lại tình cờ tìm được tới cuốn sách Đến Nhật Bản học về cuộc đời của tác giả trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh 🙂


Đến Nhật Bản học về cuộc đời là một cuốn tản văn, đúng hơn là một cuốn nhật kí, của cô gái 23 tuổi Nhật Linh viết trong quãng thời gian một năm đi học ở Nhật. Cuốn sách được chia thành nhiều tập tản văn nhỏ, mỗi tập gắn liền với những quan sát, cảm nhận, và những câu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống hàng ngày của Nhật Linh trong mỗi tháng cô ở Nhật.

Nhật Linh xưng “tôi” trong cuốn sách (có vài lần xưng “em” khi viết về một người đặc biệt). Cách xưng tôi vừa như đang kể chuyện lại cho bạn đọc, vừa như những lời cô tự tâm sự với chính mình – khiến cho Đến Nhật Bản học về cuộc đời như một cuốn nhật kí mở, rất riêng tư, nhưng cũng rất kiểu “tôi kể bạn nghe nè…”

Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện rất đời thường từ cuộc sống của Nhật Linh… mở đầu bằng việc cô tới Osaka bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước không phải Việt Nam – bỡ ngỡ, thích thú, gặp lại nước Nhật mà cô đã từng tới thăm như là gặp lại một người bạn cũ, nhưng ở trong một tâm thế mới, bởi cô không còn tới đây để giao lưu văn hoá, mà là tới để sống trong lòng đất nước này 🙂 

Vì đây là một tập tản văn, nên có nhiều chi tiết nho nhỏ về tác giả mà mình không nhớ hết được, nhưng mình rất nhớ hình ảnh cô gái Nhật Linh nhỏ nhắn đạp xe quanh những con phố, dắt xe lên dốc cao, ngồi bên đường/bên biển ăn đủ loại kem (kem trà xanh, kem chuối sô cô la, kem siro bạc hà…), nhìn qua cửa sổ ngắm bao nhiêu lần hoàng hôn rực rỡ đủ màu, và những lần cô gái ấy đi và khóc trong mưa, trong đêm…

Điều làm mình thấy thú vị ở cuốn sách này là ở những quan sát và những suy nghĩ của tác giả – cùng với việc được thấy sự trưởng thành của cô gái này từng ngày, từng tháng, được hé lộ dần dần qua mỗi trang sách. Trải nghiệm của Nhật Linh được biến chuyển từ những ngày đầu bỡ ngỡ, biết ơn lòng tốt của người Nhật, tới những ngày tháng khám phá, thích thú và khâm phục con người, văn hoá Nhật Bản, tới những ngày cảm giác như mình đã có được sự tự do và quên đi được những nỗi buồn trong quá khứ (rất tiếc là tác giả không bao giờ viết rõ cụ thể điều gì đã làm cô buồn những ngày còn ở Việt Nam), rồi tới những ngày tháng bị bao trùm sự cô độc, mệt mỏi, vượt qua đó lại tới những ngày vui và hạnh phúc… đủ mọi cung bậc cảm xúc… càng về sau của cuốn sách, Nhật Linh như đã trưởng thành hơn, những tản văn của cô dài hơn với nhiều quan sát hơn và nhiều những bài học cô rút ra được về cuộc đời hơn. Nếu như trước đó, cô viết về người Nhật và cảm nhận của cô về họ, thì càng về sau, cô viết nhiều hơn về những gì cô chiêm nghiệm được từ người Nhật và áp dụng những điều đó vào cuộc sống của cô. Từ câu “xin lỗi, cảm ơn” cửa miệng, tới triết lý sống hết mình cho ngày hôm nay và không ngừng cố gắng… tất cả đều là những điều mà nước Nhật, người Nhật đã dạy cho Nhật Linh (hay đúng hơn là Nhật Linh đã khéo léo và tinh tế nhận ra và học được từ nước Nhật, con người Nhật).

Cá nhân mình thấy nửa sau của cuốn sách sâu sắc và “đằm thắm” hơn nửa trước của cuốn sách. Mình nghe nửa đầu của cuốn sách như kiểu cưỡi ngựa xem hoa, nghe để thấy “ah thì ra đi học ở Nhật là như vầy như vầy…” – để cho những tưởng tượng về việc đi học ở Nhật của mình được bồi đắp thêm =)) và lúc đó mình thấy cuốn sách này hơi thiếu. Lý do mình thấy thiếu thiếu là vì như sau: khi ở Nhật, mình đi chơi chỗ nọ chỗ kia thấy rất thích thú với đất nước và con người nơi đây, nhưng vì không biết tiếng Nhật nên mình ko thể giao tiếp được với người Nhật và luôn thắc mắc là họ sống như thế nào, họ nghĩ gì… có những điều không thể chỉ quan sát trong một thời gian ngắn mà hiểu được 🙂 mình đọc nửa đầu cuốn sách thì thấy Nhật Linh chưa truyền đạt cho mình thấy rõ được những điều mà “khách du lịch” như mình còn thắc mắc… Nhật Linh trong đoạn đầu vẫn chưa hoàn toàn “sống  ở Nhật” – theo quan điểm của mình. Thế nhưng càng đọc về sau thì mình càng bị cuốn hút hơn, bởi Nhật Linh đã bắt đầu “sống ở Nhật”, bắt đầu cho mình hiểu được người Nhật làm gì và nghĩ gì 🙂 có những điều ở nửa sau của cuốn sách mà mình cũng rất thích, đó là thái độ sống và làm việc của Nhật Linh theo một tinh thần “tự hào Việt Nam, cao đẹp Nhật Bản” – rất đẹp, với gốc rễ là suy nghĩ của một cô gái Việt Nam và với hoa trái là của một cô gái đã học được nhiều bài học từ nước Nhật. Mình rất thích đoạn Nhật Linh viết về những ngày làm thêm mệt nhọc của cô, cố gắng bằng gấp hai lần người khác, nhưng đôi chân đứng vững không mệt mỏi, đôi tay đã chịu gian khó nhưng không nản lòng 🙂

Nhìn chung, mình rất đồng cảm với Nhật Linh và đôi khi thấy chút xíu quá khứ của mình trong lời văn của cô (mình cũng đã có những ngày thấy rất cô độc, những ngày thấy rất tự do, những ngày lăn lộn làm việc nặng nhọc, những ngày khóc rất nhiều, những ngày nhìn qua cửa sổ sáng ánh đèn nhà người ta suy nghĩ bâng quơ…) mấy cô gái mới trưởng thành thường hay nhiều suy nghĩ vẩn vơ thì phải =))) Mình thích Nhật Linh ở chỗ cô đã cầm bút lên, đã viết, đã ghi lại những ngày tháng đó… những điều đã ghi lại, đã viết ra, thì sẽ không bị lãng quên. Đến Nhật Bản học về cuộc đời là một mảnh ghéo nhỏ và đẹp của tuổi trẻ của Nhật Linh mà cô sẽ không quên, và những người đã đọc sách của cô cũng vậy 🙂

Một hạt sạn nhỏ mà mình nhận thấy ở Đến Nhật Bản học về cuộc đời là ở sự thiếu chi tiết – có rất nhiều điều được viết ra trong sách mà một độc giả nhiều chiện, khó tính như mình sẽ muốn gào lên “kể cho tui nghe thêm đi!!!” thì lại không có. Ví dụ như: Nhật Linh sống ở Osaka và nhắc tới Osaka rất rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ miêu tả hay kể về Osaka cả, khiến cho người đọc là bạn Lan thấy thiếu đi bối cảnh, thiếu đi sự cảm nhận về thành phố này: Osaka như thế nào, Osaka có khác gì với Kyoto, con phố chính ở Osaka mà Nhật Linh nhắc tới là con phố nào, có điều gì đặc biệt ở con phố đó? Hay như cuộc gặp với thủ tướng Nhật Bản: ông ấy trông như thế nào, ông ấy kể về cây đàn piano là cụ thể ông ấy kể cái gì? Có những điều không phải cứ liệt kê hay kể sơ qua là xong 😛 Cũng không trách tác giả được, vì đây chỉ là một cuốn tản văn, và nhiều khi viết nhật kí thì cũng ko ai ngồi kể cái nọ cái kia quá chi tiết cả 🙂 Nhật Linh là một tác giả tài năng và còn rất trẻ, mình tin là những tác phẩm sắp tới sẽ tròn trịa hơn 🙂

Nhìn chung Đến Nhật Bản học về cuộc đời là một cuốn sách đẹp và thú vị. Một cuốn sách sẽ đưa bạn tới một đất nước đẹp, gặp những con người đẹp và học được những bài học đầy tính nhân văn qua một cô gái Việt Nam có tâm hồn thật đẹp 🙂

Leave a Comment